Trong năm 2014, lực lượng chức năng điều tra và triệt phá hàng loạt vụ lừa đảo môi giới xuất khẩu lao động. Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH), thì tình trạng môi giới lừa đảo, tuyển lao động bất hợp pháp với danh nghĩa đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đang diễn ra càng ngày càng phức tạp với những cách thức tinh vi và quy mô lớn hơn.
“Đem con bỏ chợ”
Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Dolab tỏ ra rất lo ngại trước tình trạng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc chui ngày càng nhiều. Đặc biệt là tại các vùng quê nghèo giáp biên giới.
Ngày 4/11/2014 vừa qua, Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can Nguyễn Văn Thắng – Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động Hoàng Thắng vì có hành vi lừa đảo người đi lao động nước ngoài. Theo đơn tố cáo của người dân, Thắng đã dụ dỗ lừa đảo 9 lao động phổ thông hứa hẹn họ sang Đài Loan làm việc với công việc nhàn hạ và mức lương cao. Nhưng Thắng thay vì đưa họ sang Đài Loan lại đưa 9 người này sang Quảng Đông, Trung Quốc. Tại đây, họ bị ép làm việc hoàn toàn trái ngược với bản cam kết đã được ký với Công ty Hoàng Thắng.
Trong khi 9 lao động đầu tiên bị đưa đi xuất khẩu lao động “lừa” như trên thì tại Việt Nam, Thắng tiếp tục “giăng bẫy”, lừa được hàng chục người dân nghèo khác ở xã Tân Hội (Đan Phượng, Hà Nội) để chuẩn bị đưa đi “xuất ngoại” chuyến tiếp theo…
Lao động Việt Nam lên đường sang các nước làm thuê
Tại thị trường Arập Xêút cũng đã xảy ra một số vụ việc đối với lao động làm giúp việc gia đình. Người lao động thường khiếu nại phải làm việc quá giờ, ít có thời gian nghỉ ngơi, điều kiện ăn ở không đảm bảo, một số bị chủ sử dụng lao động ngược đãi; một số lao động không đảm bảo sức khỏe, muốn về nước trước hạn.
Những năm qua, tình trạng cò mồi, lừa đảo xuất khẩu lao động liên tục được cảnh báo qua các kênh truyền thông, báo chí. Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đang phải đau đầu tìm giải pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả, xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm. Thế nhưng số lao động bị lừa gạt, chiếm đoạt tiền vẫn không giảm.
Trước tình trạng này, Dolab đã thực hiện một cuộc tổng rà soát về các công ty đưa người đi lao động ở nước ngoài.
Người đại diện của Dolab thông tin, theo số liệu từ các doanh nghiệp, tổng số lao động người Việt đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2014 là 100.000 người, chủ yếu tại các thị trường Đài Loan, Macau (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Arập Xêút…
Theo báo cáo của Phòng Thanh tra Dolab, từ năm 2007 đến nay, thanh tra Cục đã phối hợp với thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và thanh tra sở các địa phương (hệ thống ngành dọc) trong cả nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hàng trăm lượt doanh nghiệp và đã đưa ra hàng ngàn kiến nghị đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Qua kiểm tra Dolab phát hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng, đã rút giấy phép hoạt động và xử phạt hành chính hoặc phạt cảnh cáo nhiều doanh nghiệp. Để hoạt động này được đúng với mục đích đã đề ra, Dolab đã gửi công văn tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) và Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an đề nghị phối hợp xác minh, làm rõ 9 đơn vị, công ty có nghi vấn trong việc tuyển chọn lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Đại diện Dolab cho hay, mặc dù hiện tại đang có nhiều những sai phạm vẫn trong quá trình giải quyết nhưng lại xuất hiện hàng loạt các đơn vị, công ty tiếp tục vi phạm pháp luật.
“Thực tế, những thông tin tuyển dụng trái phép có thể gây nhiễu loạn, ảnh hưởng tới các chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước như CHLB Đức, Nhật Bản… trong chương trình tuyển chọn, đào tạo và đưa lao động Việt Nam sang học tập, làm việc tại các quốc gia này. Do vậy, những hoạt động trái phép cần phải được xử lý nghiêm”. Vị đại diện này nói.
Cảnh giác với “cò mồi”
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – Trưởng phòng Xuất khẩu lao động 2, Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại SONA, Bộ LĐ-TB&XH trả lời báo chí cho hay: “Thời gian vừa qua, chúng tôi nhận được nhiều thông tin từ người lao động hỏi về rất nhiều thị trường như Angola, Nhật Bản, Hàn Quốc… Chúng tôi cũng phải cảnh báo cho người lao động ngay, có khuyến cáo người lao động phải tìm hiểu kỹ về đơn vị tuyển dụng lao động, các đơn hàng cũng như các điều kiện của các đơn hàng để tránh bị lừa trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Bởi những công ty mà hứa với người lao động là khi được tuyển xong là có thể xuất cảnh ngay, thì những công ty đấy cũng phải đặt vấn đề”.
Dolab đã đưa ra cảnh báo, gần đây liên tục xuất hiện thông tin, thông báo tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Angola và CHLB Đức với các điều kiện về thu nhập và chi phí không đúng quy định. Đối với Nhật Bản, hiện Chương trình tuyển chọn, đào tạo điều dưỡng và hộ lý sang làm việc tại thị trường này chỉ có một đầu mối duy nhất là Dolab thực hiện. Tất cả các công ty khác đều không có chức năng tuyển dụng.
Người đại diện của Dolab khẳng định sẽ kiểm tra, rà soát lại các trường hợp liên quan tới việc tuyển dụng này. Nếu đối tượng, cá nhân không có chức năng hoạt động trong lĩnh vực này thì Dolab sẽ thông tin để các cơ quan điều tra vào cuộc điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Còn nếu đấy là những doanh nghiệp có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động ra ngoài, thì tùy vào mức độ vi phạm của doanh nghiệp, Dolab sẽ căn cứ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trả giá cho hành vi “buôn người” của mình, nhiều kẻ lừa đảo xuất khẩu lao động đã phải ra trước vành móng ngựa, song song với đó là ngày càng có nhiều người lao động nghèo khó rơi vào đường cùng vì trót “đánh bạc” với số phận.
Ngoài việc các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn trong vấn đề này. Thì chính người lao động cũng cần phải tự nâng cao kiến thức, cảnh giác trước những hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động, để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
( Theo Petrotimes )