Singapore có thêm 287 người mới mắc virus corona trong ngày 9/4, mức tăng lớn nhất của nước này từ trước đến nay và gấp đôi con số của ngày hôm trước.
Trong số những bệnh nhân mới, 217 người liên quan đến các ổ dịch đã được phát hiện, trong đó 166 người liên quan đến ký túc xá S11 của khu Punggol. Khu ký túc xá này đã có tổng số 283 người nhiễm virus. Sungei Tengah Lodge vừa trở thành khu nhà trọ của lao động nước ngoài thứ tư bị cách ly từ đêm 9/4. Ba khu ký túc xá trước đó là S11 Punggol, Westlite Toh Guan và Toh Guan đã bị cách ly trước đó.
Lực lượng chức năng Singapore đưa ra hàng loạt biện pháp để dập dịch trong các ký túc xá, bao gồm việc xét nghiệm hàng loạt cho các công nhân để tách người bệnh và nghi nhiễm ra khỏi những người khoẻ mạnh.
Điểm đen dich Corona – các ký túc xá của công nhân
Lao động nhập cư chen chúc trong các khu nhà tập thể là thách thức cho cuộc chiến chống dịch của Singapore, đồng thời dịch bệnh cũng phô bày hoàn cảnh sống của nhóm lao động này.
Hôm 6/4, quốc đảo quyết định cách ly gần 20.000 công nhân trong 2 khu ký túc xá có liên quan tới ít nhất 90 trường hợp nhiễm bệnh. Chính quyền cho rằng đây là hành động kiểm dịch cần thiết đồng thời vẫn đảm bảo thu nhập, trợ cấp y tế và thực phẩm cho người lao động.
Tính đến 10/4, tại Singapore đã có tới 1.910 ca nhiễm và 460 ca tử vong do Covid-19, dù trước đây tháng 3 thì nước này được coi là hình mẫu xử lý dịch mà không phải cách ly hay phong tỏa xã hội diện rộng.
Theo các tổ chức hoạt động vì quyền lợi của người nhập cư, nhóm người có thu nhập thấp này thường phải sống chen chúc trong một phòng ký túc. Quân y được điều động túc trực tại các khu ký túc và luôn sẵn sàng chăm sóc người lao động. Quân đội cũng đảm bảo nguồn cung thực phẩm và nhu yếu phẩm kịp thời.
Westlite Toh Guan là một trong 2 khu ký túc xá ở Singapore áp dụng biện pháp cách ly tập trung từ ngày 6/4. Đây là nơi cư trú của 6.800 công nhân, trung bình mỗi phòng ở có 8-10 người, theo thông tin từ đơn vị sở hữu Centurion Corporation.
Người lao động sống tại đây được phát khẩu trang, nhiệt kế và nước rửa tay. Theo thông tin từ chính phủ, họ được cung cấp đầy đủ 3 bữa ăn/ngày.
Tuy nhiên, không gian chật chội, nhà nhỏ, đông người theo đặc trưng tại Singapore sẽ là thách thức cực lớn về phòng dịch tại các ổ dịch tiềm tàng – ký túc xá công nhân. Nhân viên điều dưỡng Ah Hlaing ở cùng phòng với 10 người khác trong khu ký túc. Cô cho biết “Lúc đầu chúng tôi khá bức bối vì phải ở yên trong phòng”.
Nhưng khi đã quen với việc cách ly, cô tin rằng đây là một biện pháp cần thiết. “Phải chấp nhận thôi, chúng tôi không thể làm gì khác”.
Tuy nhiên, nhiều nhóm nhân quyền cho biết chính phủ cần phải làm nhiều hơn. Theo ông Alex Wu, phó chủ tịch của một tổ chức hoạt động vì lợi ích lao động nhập cư, “các bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh trong không gian chật hẹp và đông đúc. Việc yêu cầu 10 người cùng cách ly trong 1 phòng chỉ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh mà thôi”.
Người nước ngoài chiếm khoảng 38% tổng lực lượng lao động của Singapore. Trong lĩnh vực xây dựng, cứ 4 công nhân thì có tới 3 người là lao động nhập cư. Nhóm này cũng chiếm khoảng một nửa tổng nhân lực trong ngành sản xuất và 30% trong ngành dịch vụ.
Tuy nhiên, quốc đảo không ban hành quy định mức lương tối thiểu nên nhiều lao động nhập cư chỉ được trả 13-15 USD cho một ngày làm việc không dưới 10 tiếng, theo South China Morning Post. Phần lớn công nhân phải làm thêm giờ hoặc ăn uống kham khổ để dành dụm tiền gửi về quê hương.
Chính phủ Singapore vẫn chưa có động thái chính thức nào về những thông tin kể trên trong khi Reuters dẫn lời giới chức từng khẳng định Singapore là điểm đến của nhiều lao động nhập cư vì “lương cao và người lao động được đảm bảo quyền lợi”.