Các hoạt động tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong thảm họa này diễn ra tại nhiều nước trên thế giới tròn 4 năm xảy ra trận động đất mạnh 9 độ richter, kéo theo sóng thần tại Nhật Bản và thảm họa hạt nhân.
Hàng trăm trẻ em tại dải Gaza ngày 9/3 đã tổ chức một lễ hội thả diều để tưởng nhớ những nạn nhân xấu số trong trận động đất và sóng thần. Những cánh diều mang hình dạng khác nhau, nhưng đều kèm theo những dòng chữ thể hiện tình đoàn kết giữa người dân Nhật Bản và Palestine. Những đứa trẻ tham gia cuộc thi cũng mặc những chiếc áo phông với khẩu hiệu “Chúng tôi yêu Nhật Bản”.
Một đứa trẻ tham gia cuộc thi chia sẻ: “Người dân Nhật Bản rất tuyệt vời. Họ thể hiện tình đoàn kết với chúng tôi trong những lúc khó khăn. Cháu muốn tham gia sự kiện này để thể hiện tình đoàn kết với người dân Nhật Bản”.
Hàng trăm người dân Đức cuối tuần qua cũng tập trung tại Cổng Brandenburg của nước Đức để tưởng nhớ các nạn nhân trong thảm họa kép.
Hãng sản xuất bút máy và đồng hồ cao cấp Thụy Sĩ Montblanc có kế hoạch tung ra thị trường những chiếc bút làm từ gỗ của cây thông may mắn trụ lại được sau thảm họa kép tại Nhật Bản. Montblanc chế tạo 113 cây bút – con số gắn liền với thời điểm xảy ra thảm họa ngày 11/3 và dự tính bán những sản phẩm đặc biệt này trong lễ tưởng niệm 4 năm ngày xảy ra thảm họa kép. Sản phẩm đặc biệt này sẽ có giá 520.000 yên (tương đương 4.400 USD)/chiếc và 20% doanh thu sẽ được dành tặng cho người dân xứ Phù Tang.
Sau 4 năm Nhật bản đã nỗ lực tái thiếtTuy nhiên, nhiều quan chức Nhật Bản cũng thừa nhận, con đường tái thiết vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn phía trước, đặc biệt liên quan đến việc kiểm soát lượng nước phóng xạ bị rò rỉ tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cũng như tái định cư cho hàng trăm nghìn người vẫn đang phải đi sơ tán.
Tại khu nhà máy điện hạt nhân, lượng phóng xạ từ lâu không còn xâm nhập vào không khí, nhưng các công nhân ở đây vẫn tiếp tục cuộc chiến kiểm soát nước nhiễm độc rò rỉ.
Một quan chức tại tỉnh Fukushima cho rằng, mọi việc vẫn chưa hoàn thành. Phải mất 30 năm nữa hoặc nhiều hơn nữa, và khẳng định kế hoạch tái thiết sau thảm họa sẽ là một cuộc chiến kéo dài và đầy khó khăn./.
Một số hình ảnh không thể quên được của thảm họa kép 11-3
Cây thông đứng một mình giữa tâm vùng thảm họa trở thành biểu tượng cho ý chí kiên cường của người Nhật Bản trước thảm họa.
Akane Ito, một cô gái 29 tuổi, ngồi cô đơn trước mất mát quá lớn
Lực lượng cứu hộ tìm người sống sót trong những căn nhà đổ nát nghiêm trọng ở Natori, tỉnh Miyagi.
Những con sóng cao tới 10m đẩy tàu du lịch lên mái một ngôi nhà hai tầng tại thành phố Ostuchi, tỉnh Iwate.
Hình ảnh nước biển dâng cao, tràn qua một con đê chắn sóng ở thành phố Miyako.
Đồng hồ ngừng hoạt động đúng thời điểm sóng thần quét qua thành phố Kesennuma
Đường nhựa nứt toác bởi trận động đất 9 độ Richter. Chất lượng đường rất tốt
Hơi nước chứa phóng xạ bốc lên từ lò phản ứng nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi số 1 sau trận động đất và sóng thần ngày 11/3. Đây là thảm họa điện hạt nhân tồi tệ nhất thế giới từ sau vụ nổ lò phản ứng ở Chernobyl, Ukraine năm 1986.
Một phụ nữ cố nói chuyện với con gái cách ly qua lớp kính. Người ta cách ly cô gái vì cô ở trong khu vực nhiễm phóng xạ của nhà máy Fukushima.
Sóng thần nhấn chìm khu vực rộng lớn và để lại biển rác và lửa sau thảm họa.