Đó là tổng số vốn vay từ nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản dành cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam trong năm tài khóa 2013 vừa được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản công bố sáng nay tại Hà Nội.
Các báo cáo thống kê của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy, suốt 20 năm qua, Nhật Bản là quốc gia viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng số vốn của các nhà tài trợ.
Cùng với đó, trong năm 2012 và năm 2013, Nhật Bản cũng đã trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam.
Quan điểm của các nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng, việc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam không chỉ đơn thuần là gia tăng các chỉ số kinh tế, mà phải gắn kết với tăng thu nhập và tạo việc làm cho mỗi người dân.
Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông và năng lượng đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân thông qua tăng trưởng kinh tế cao và điều này đã minh chứng cho các thành quả ODA Nhật Bản trong 20 năm qua.
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản về kế hoạch hợp tác năm tài chính 2013, JICA đã ký kết Hiệp định vay với tổng kinh phí khoảng 55 tỷ yên cho 3 dự án là Dự án xây dựng đường vành đai 3 thành phố Hà nội (đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long); Dự án xây dựng nhà ga hành khách số 2 Sân bay quốc tế Nội Bài (giai đoạn 3) và Dự án nâng cấp Nhà máy thủy điện Đa Nhim vào tháng 12/2013 và tháng 2/2014.
Hơn nữa, sáng ngày 6/3/2014, tại Tokyo đã diễn ra Lễ ký kết Hiệp định vay với tổng kinh phí khoảng 25 tỉ yên cho 2 dự án là Tín dụng hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh lần 2 và Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 4).
Dự kiến đến cuối tháng 3/2014, JICA sẽ tiếp tục cung cấp các khoản vay với tổng kinh phí khoảng 120 tỷ yên.
Như vậy, với tổng số vốn vay đạt khoảng 200 tỷ Yên (tương đương với khoảng gần 2 tỷ USD) trong năm tài khóa 2013, vốn vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao so với năm tài khóa 2011 và 2012.
Dự kiến hoàn thành trong năm 2015, cầu Nhật Tân (cầu Hữu nghị Việt – Nhật) và Nhà ga hành khách số 2 Sân bay quốc tế Nội Bài được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không đang tăng nhanh, cũng như tăng cường năng lực vận chuyển giữa khu vực trung tâm thành phố Hà Nội và Sân bay quốc tế Nội Bài.
Gia tăng vận chuyển hàng hóa và lưu thông hành khách sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, các dự án xây dựng hạ tầng quy mô lớn này cũng đã tạo ra một lượng lớn việc làm cho các địa phương trong vùng dự án.
Mỗi ngày, một dự án lớn như vậy cần khoảng 1.000 lao động, thu hút rất nhiều nhân công không chỉ ở TP. Hà Nội mà còn ở các khu vực lân cận.
Từ đó, không chỉ tạo ra công ăn việc làm, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn này còn góp phần to lớn trong việc nâng cao trình độ kỹ thuật của các lao động Việt Nam, thông qua chuyển giao kỹ thuật và kinh nghiệm về thi công an toàn trong thời gian ngắn, phương pháp quản lý doanh nghiệp Nhật Bản… của các cán bộ quản lý và kỹ sư Nhật Bản cho lao động Việt Nam.
Hiện nay, nhu cầu vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu của Việt Nam là rất lớn. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần phải ưu tiên tập trung tìm ra phương thức làm thế nào để có thể huy động được nguồn vốn tư nhân, chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn ODA.
Một trong những dự án đáng chú ý trong thời gian gần đây chính là dự án đầu tư xây dựng Cảng Lạch Huyện tại thành phố Hải phòng.
Đây là dự án có quy mô lớn, với tổng kinh phí khoảng 140 tỷ yên. Trong đó, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng chung cho cảng đã được bắt đầu và phần cầu đường ôtô, được khởi công vào ngày 15/2 vừa qua, đang được triển khai bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản.
Nếu thành công, đây sẽ là dự án hợp tác công – tư (PPP) chính thức đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Dự án này được kỳ vọng trở thành mô hình thử nghiệm dự án PPP trong tương lai.
( Nguồn báo điện tử BizLIVE.vn.)