– Ngày 28/3, trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang diễn biến khá phức tạp trên địa bàn, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đề nghị công dân Việt Nam phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid-19 của nước sở tại.
Cụ thể, Đại sứ quán Việt Nam yêu cầu công dân Việt Nam sinh sống và làm việc tại Algeria hạn chế di chuyển và ở yên tại nơi cư trú, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết như mua nhu yếu phẩm, ốm đau; tránh tụ tập nơi công cộng từ 2 người trở lên và đặc biệt là chấp hành thực hiện lệnh giới nghiêm (ban hành ngày 23/3), ở thủ đô Algiers từ 19h hôm trước cho đến 7h sáng hôm sau cho đến khi có thông báo mới.
Ngoài ra, Đại sứ quán yêu cầu công dân Việt Nam chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch (đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc gần) để bảo vệ cho bản thân và gia đình, thông báo thông tin kịp thời cho Đại sứ quán tình hình sức khỏe của bản thân để được hỗ trợ.
– Theo Bộ Y tế Algeria ngày 5/4 có 22 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong do mắc Covid-19 ở nước này lên 152 người. Với con số này, Algeria vẫn là quốc gia Arab có nhiều ca tử vong nhất do mắc Covid-19. Hầu hết các địa phương ở Alegria đều phát hiện các ca mắc Covid-19. Tổng số ca mắc Covid-19 ở Algeria cho đến nay là 1.350 người ở 43 bang.
– Cùng với dịch bệnh COVID-19, việc giá dầu giảm mạnh kết hợp với hạn hán kéo dài có thể gây ra những thiệt hại lớn đối với nền kinh tế Algeria.
Doanh thu từ dầu của Algeria trong năm 2020 dự kiến đạt từ 20-30 tỷ USD, so với mức 36 tỷ USD trong năm 2019 và 42 tỷ USD năm 2018.
Trong khi đó, dự thảo ngân sách năm 2020 của nước này được tính toán dựa trên cơ sở 50 USD/thùng dầu.
Nếu giá dầu thế giới đình trệ lâu dài với khoảng 20 USD/thùng, thâm hụt ngân sách Algeria có thể tăng gấp đôi, dự kiến là 12,8 tỷ USD lên đến 25 tỷ USD.
Sự thâm hụt trong cán cân thương mại cũng khiến dự trữ ngoại hối của Algeria có thể giảm còn 51 tỷ USD vào cuối năm 2020, so với mức 194 tỷ USD vào đầu năm 2014, và thậm chí có nguy cơ bốc hơi hoàn toàn vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Abdelmadjid Tebboune.
– Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Algeria năm 2019 đạt 187 triệu USD, giảm 2,6% so với năm 2018.
Các mặt hàng xuất khẩu chính là cà phê đạt 110,65 triệu USD, nhôm 16,11 triệu USD, thủy sản 10,99 triệu USD, điện thoại di động và linh kiện 8,2 triệu USD, gạo 6,2 triệu USD, hóa chất 5,2 triệu USD, máy giặt 4,6 triệu USD, hàng rau quả 3,2 triệu USD, hạt điều 2,9 triệu USD, sợi các loại 2,5 triệu USD, hạt tiêu 2,1 triệu USD, vải 1,9 triệu USD, linh kiện ô tô dưới 12 chỗ 1,7 triệu USD, quế 1,5 triệu USD, sản phẩm gỗ 1,3 triệu USD, máy khâu 1 triệu USD…
Số liệu thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Algeria, cà phê là mặt hàng có thể gia tăng xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian tới, bởi cà phê là đồ uống ưa chuộng nhất của người Algeria, hàng năm quốc gia này dành 300 triệu USD nhập khẩu khoảng 130.000 tấn cà phê hạt các loại.
Những năm qua, cà phê luôn là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Algeria, với thị phần chiếm trên 50%. Năm 2019, Việt Nam xuất sang Algeria khoảng 70.000 tấn cà phê.
Gạo cũng là mặt hàng được đánh giá có nhiều tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới khi dịch Covid-19 được ngăn chặn. Vì Algeria không sản xuất lúa gạo nên mặt hàng này hầu như phải nhập khẩu 100%, số lượng nhập khẩu khoảng 100.000 tấn/năm.
Hàng rào thuế quan đối với mặt hàng gạo cũng tương đối thấp so với các nước (thuế hải quan 5%, thuế VAT 7%). Năm 2019, Việt Nam xuất gần 17.000 tấn gạo sang Algeria, chiếm tỷ trọng khoảng 16%. Theo đánh giá, trị trường này vẫn còn nhiều triển vọng cho gạo Việt Nam, do người dân đã quen với việc sử dụng gạo của ta.
Mặt khác, lượng lao động châu Á tại Algeria ngày càng đông, đặc biệt là người Trung Quốc, góp phần làm tăng nhu cầu về gạo tại thị trường Algeria.