Điều đáng quan ngại hơn, thị trường lao động bắt đầu có dấu hiệu ồ ạt đi xuất khẩu nước ngoài. Điển hình, gần đây lượng lao động xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Thái Lan… một cách chóng mặt.
Theo lượng thống kê từ cơ quan chức năng, mỗi ngày có khoảng 4.000 lượt người và phương tiện đến làm thủ tục xuất nhập cảnh sang các nước, trong đó trung bình có 1.000 người đến làm thủ tục xuất cảnh sang Lào. Nhìn vào con số xuất khẩu lao động Việt Nam sang thị trường Lào không ít người ngạc nhiên vì đang có một lượng lao động lớn “chảy” qua nhưng thị trường không nằm trong danh sách phát triển.
Nguyên nhân là do thị trường lao động đang xảy ra cuộc “so găng” về giá trị và chất lượng khi sân chơi hội nhập mở ra. Song điều quan trọng nhất, chính là năng suất lao động của các nước gia tăng thu nhập lên mức tương đối khá và ổn định. Đây chính là lý do mà thị trường các nước thu hút lao động Việt.
Dự báo của cơ quan chức năng, thời gian tới lao động xuất khẩu qua Lào sẽ tăng mạnh hơn. Không riêng gì thị trường Lào, các chuyên gia cảnh báo, mở cửa thị trường một cách sâu rộng như hiện nay chắc chắn xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” đối với mọi nguồn lực lao động. Riêng với thị trường Cộng đồng Kinh tế (AEC), Việt Nam chiếm 15% tổng lực lượng lao động.
Đối với Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thị trường lao động Việt Nam cũng được đánh giá cao khi dân số vàng đang tạo ra nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế. Cũng theo dự báo, khi AEC và TPP chính thức đi vào hoạt động thì lượng lao động nước ngoài từ các ngành như kiến trúc, bác sĩ, nha sĩ… sẽ di chuyển tự do vào Việt Nam.
Lúc này bản thân lao động Việt Nam sẽ chịu cạnh tranh gay gắt từ nguồn lao động các nước trong nội khối. Ngược lại, lượng lao động Việt Nam “chảy máu chất xám” sang các nước không hề ít. Mất mát từ nguồn lực lao động đáng báo động khi 70% lượng lao động xuất khẩu thường có tay nghề làm việc từ 5 – 20 năm.
Rõ ràng, hội nhập kinh tế là điều kiện tốt để lao động có trình độ cao của Việt Nam lựa chọn môi trường làm việc phù hợp. Nhưng nhiều ý kiến lo ngại, nguy cơ “chảy máu chất xám” hoàn toàn không nhỏ. Kết quả khảo sát của một đơn vị về thị trường lao động mới công bố rõ, khoảng 48% lao động Việt Nam muốn định cư tại các nước đang làm việc, trong khi đó tỷ lệ này chiếm rất nhỏ đối với lao động các nước khác. Khuyến cáo hiện nay của chuyên gia cũng như cơ quan quản lý, muốn nắm bắt cơ hội việc làm trong hội nhập đòi hỏi, phải đào tạo lao động Việt Nam có trình độ tương đương với lao động các nước.
Song song đó, nên gắn kết lao động với thị trường một cách tốt hơn. Đặc biệt, cần giải quyết bài toán về năng suất lao động từ đó mới gia tăng thu nhập cũng như chế độ nhằm giữ chân công nhân tốt hơn.