(Theo Tin Nóng) Trong 50 năm qua, tàu cao tốc viên đạn – Shinkansen của ngành đường sắt Nhật bản đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá, thu hút du khách nước ngoài. Trải nghiệm tàu Shinkansen nối kết hai thành phố lớn là tiết mục không hề thiếu trong chương trình tham quan Nhật Bản của hầu hết các công ty du lịch, lữ hành tại Việt Nam.
Tàu viên đạn vào ga
50 năm con tàu chạy nhanh nhất thế giới
Shinkansen, tức đoàn tàu hình viên đạn đã mừng sinh nhật thứ 50 vào ngày 1.10.2014 qua. Ngược dòng thời gian nửa thế kỷ về trước, đoàn tàu Hikari (có nghĩa là Ánh sáng) số 1 rời sân ga số 9 của nhà ga Tokyo lúc 5 giờ 50 sáng ngày 1.10.1964.
Hành trình thương mại đầu tiên của đoàn tàu cao tốc hướng về Osaka phía tây nam, trên một tuyến đường mới dài 514 km được xây dựng đặc biệt, đã nhanh chóng đạt tốc độ tối đa 210 km/giờ, giảm thời gian đi lại giữa hai thành phố lớn nhất Nhật Bản từ 6,5 giờ xuống còn 4 giờ.
Khi ấy Shinkansen đóng vai trò “người loan tin” cho thế giới biết rằng Nhật Bản đã hồi phục, chỉ 19 năm sau khi vào cuộc tái kiến thiết hậu Thế chiến II. Khi ấy thủ đô Tokyo vừa mới là nơi diễn ra Thế vận hội Olympic Mùa hè 1964.
Kể từ thời điểm đó, thời gian hành trình những con tàu mới đã giảm nhiều, đến thế hệ tàu cao tốc N700 ra đời năm 2007 chỉ còn 2 giờ 25 phút. Trong suốt lịch sử 50 năm, con tàu tiên phong này đã chuyên chở hàng tỉ lượt hành khách trên khắp nước Nhật.
Làm thế nào trở thành tàu lửa nhanh nhất thế giới ?
Các cuộc chạy thử nghiệm được tiến hành vào năm 1996 cho thấy đoàn tàu đạt tốc độ 442 km/giờ. Mỗi chiếc có nhiều thiết bị điện nhằm cung cấp khả năng tăng giảm tốc độ tốt hơn, đồng thời hạn chế các thiệt hại bằng cách làm cho xe nhẹ hơn.
Các toa xe đều được bịt kín nhằm ổn định áp suất không khí khi tàu đi vào một đường hầm ở tốc độ cao, và hệ thống điều khiển tự động trên tàu giúp loại bỏ các tín hiệu cần thiết dọc tuyến. Đồng thời loại đường ray khổ 174 cm tiêu chuẩn được hàn liên tục sẽ loại bỏ tiếng ồn và những tác động do bánh xe gây ra mỗi khi đi qua các điểm nối.
Trong toa tàu cao tốc Nhật – Ảnh: Nguyễn Dũng
Vì sao mất danh hiệu ?
Shinkansen không còn là tàu cao tốc chở khách nhanh nhất thế giới và bị một loạt đối thủ cạnh tranh quốc tế bỏ xa. Tuy nhiên, nhiều hy vọng dành cho phương tiện chuyên chở công cộng thế hệ mới gọi là tàu đệm từ (maglev) – tàu được nâng lên trên đường ray nhờ lực từ tính – và Nhật Bản vẫn đang gắng giữ vai trò là người cách tân ngành đường sắt thế giới.
Hiện nay, sáu tàu chạy tốc độ cao nhất là tàu đệm từ Thượng Hải: 431 km/giờ, Italo (Ý): 360 km/giờ, CRH380A (Trung Quốc): 347 km/giờ, và sau cùng Shinkansen E5 (Nhật), TGV (Pháp) và ICE3 (Đức), tất cả đều 322 km/giờ.
Tầm hoạt động ?
Tập đoàn Japan Railways của Nhật vận hành 8 tuyến tàu cao tốc, vươn xa 2.388 km khắp đất nước, với 1.144 chuyến hành trình mỗi ngày. Tốc độ cho phép tối đa trên các tuyến hiện nay là 322 km/giờ. Tàu Tokaido Shinkansen chạy giữa Tokyo và Osaka đã vận chuyển tổng cộng 5,3 tỉ hành khách kể từ khi đưa vào sử dụng năm 1964, vượt xa bất kỳ hệ thống đường sắt cao tốc nào trên thế giới.
Tổng cộng trong 50 năm, đội tàu Shinkansen đã chuyên chở hơn 10 tỉ hành khách. Thời gian trễ chuyến trung bình mỗi ngày trên tất cả tàu cao tốc Nhật là… 36 giây.
Bữa sáng gọn nhẹ, vội vàng trong nhà ga tàu cao tốc ở Nhật – Ảnh: Nguyễn Dũng
Có an toàn ?
Vận chuyển 10 tỉ hành khách trong 50 năm hoạt động, chưa có trường hợp tử vong nào do nguyên nhân trật bánh hoặc va chạm. Tàu đã đi qua những cơn bão và động đất với khả năng chịu va đập đáng kể, một phần nhờ phần hệ thống phát hiện và cảnh báo động đất khẩn cấp (UrEDAS), thiết bị phanh tự động khiến tàu dừng ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của một trận động đất.
Có một người chết và vài hành khách bị thương khi cửa tự đóng, một số trường hợp tự tử trước mũi tàu cao tốc.
Điểm khởi đầu hệ thống tàu cao tốc
Lịch sử hệ thống tàu Shinkansen bắt đầu từ thời hoàng kim của đế quốc Nhật trong những năm 1930, khi chính quyền quân sự Nhật lên kế hoạch một đường sắt cao tốc nhằm cung cấp lương thực cho quân tiền tuyến tại Trung Quốc và Mãn Châu. Theo kế hoạch, mạng lưới này sẽ vượt qua những thành tựu về đường sắt của Anh và Đức – bao gồm một đường hầm ngầm dưới biển giữa Nhật và Hàn Quốc và cuối cùng đến Singapore.
Tháng 9.1940, quốc hội Nhật đã phê duyệt ngân sách 556 triệu yen (5 triệu USD) cho dự án, trong khi đang nổi lên làn sóng chiến tranh chống Nhật. Kế hoạch này cuối cùng bị hủy bỏ vào tháng 6.1944, nhưng giấc mơ ấy vẫn còn và kế hoạch đã được hồi sinh trong những năm 1950.
Máy bán vé tàu cao tốc Nhật tự động hoàn toàn
Sẽ kết thúc tại đâu ?
Mạng lưới đường sắt đang được mở rộng đến tận những vùng hẻo lánh. Tuyến Hokuriku Shinkansen đến Kanazawa, tỉnh Ishikawa, dự kiến khai trương vào tháng 3.2015 cùng những kế hoạch tiếp tục mở rộng đến Osaka. Tuyến đến Hokkaido, vùng đảo cực bắc của Nhật cũng đang mở rộng với đường hầm dưới đáy biển từ Honshu đang được chuyển thành đường ray kép.
Dự kiến đường tới thành phố Hakodate sẽ hoàn thiện vào tháng 5.2016, phần mở rộng đến Nagasaki trên bờ tây đảo Kyushu cũng được tiến hành.
Chính phủ Nhật đã chấp thuận cho công ty Central Japan Railway khởi công một tuyến tàu đệm từ giữa Tokyo và Nagoya. Đây được xem là thế hệ tiếp theo của phương tiện vận chuyển công cộng đường dài.
Tàu đệm từ sử dụng các xung từ trường để đẩy tàu chạy tới mà không cần có bánh xe, trục và vòng bi. Các bộ phận ít tiếp xúc với đường ray giúp cho tàu giảm đáng kể lực ma sát, có thể lướt đi thật êm với tốc độ nhanh hơn.
Hành trình Tokyo-Nagoya hiện mất 90 phút, với tàu đệm từ sẽ còn 40 phút. Khi đi vào hoạt động, công ty có kế hoạch kéo dài đến Osaka vào năm 2045, đạt tốc độ 498 km/giờ và giảm thời gian hành trình xuống một giờ. Chi phí dự án vào khoảng 8.440 tỉ yen (79 tỉ USD).