Hãng Kawasaki đã phát triển loại máy bay tuần tra chống tàu ngầm hiện đại có tên gọi P-1 cho Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản.
Nơi đánh dấu đỏ là hệ thống cảnh báo tên lửa AN/AAR-60.
Trên chiếc máy bay dài 38m, sải cánh 35,4m, cao 12,1m và trị giá 200 triệu USD này được trang bị hàng loạt hệ thống điện tử trinh sát, tác chiến cực kỳ hiện đại.
Ở phần mũi P-1 là nơi chứa anten của hệ thống radar mạng pha chủ động Toshiba HPS-106 hoạt động ở nhiều chế độ: Không đối không, không đối hải và hệ thống cảnh báo tên lửa AN/AAR-60. Dưới cánh máy bay có các điểm treo tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon hoặc ASM-1C.
Phía dưới bụng máy bay là nơi được tích hợp hàng loạt anten dùng cho liên lạc, định vị hàng không (anten N-AS-330/HQR-1 hoặc N-AS-331/HQR-1). Khoang chứa vũ khí của P-1 có thể chứa bom chìm, thủy lôi, ngư lôi Type 97, Mk46.
Vòng tròn đỏ đánh dấu nơi chứa 30 phao thủy âm; hình chữ nhật là khoang chứa vũ khí; hình vòng nhỏ là anten AIFF.
P-1 được trang bị 4 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy XF7-10 cho máy bay đạt tốc độ tối đa 996km/h, tầm bay 8.000km, trần bay 13,5km. Phi hành đoàn của P-1 gồm 13 người, trong đó có 2 phi công và 11 nhân viên điều khiển các hệ thống điện tử – vũ khí.
Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản dự định là sẽ thay thế hoàn toàn các máy bay P-3C đã cũ bằng máy bay P-1.
Lô 2 máy bay P-1 đầu tiên đã trang bị cho căn cứ không quân Atsugi, tỉnh Kanagawa vào ngày 26/3 vừa qua. Loại máy bay săn ngầm phản lực mới này sẽ thay thế cho máy bay săn ngầm P-3C có thời gian hoạt động đã rất lâu.
Máy bay tuần tra săn ngầm thế hệ mới của Nhật Bản do Công ty chế tạo hàng không công nghiệp nặng Kawasaki phụ trách nghiên cứu chế tạo, công tác nghiên cứu phát triển bắt đầu từ năm 2001; chiếc máy bay phiên bản sản xuất hàng loạt đầu tiên P-1 bay thử lần đầu tiên vào ngày 25/9/2012.
Nhật Bản ban đầu có kế hoạch kết thúc công tác nghiên cứu phát triển P-1 vào tháng 3/2012, nhưng do phát hiện hàng kém chất lượng khi sản xuất thân và cánh máy bay, thời hạn bàn giao đã buộc phải đẩy lùi gần 1 năm. Có chuyên gia dự đoán, máy bay săn ngầm P-1 có đơn giá gần 20 tỷ yên, tương đương khoảng 208,3 triệu USD.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch mua tổng cộng 70 chiếc, dùng để thay thế 80 máy bay P-3C cũ hiện có. Mặc dù tổng số máy bay săn ngầm của Lực lượng Phòng vệ sẽ giảm đi, nhưng Lực lượng Phòng vệ Nhật tuyên bố, máy bay săn ngầm P-1 có ưu thế rõ rệt so với P-3C về khả năng trinh sát/do thám và tốc độ bay, hoàn toàn có thể bù đắp sự thiếu hụt về số lượng.
Trong bối cảnh quan hệ Trung-Nhật ngày càng gay gắt do tranh chấp đảo Senkaku, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bắt đầu sử dụng máy bay tuần tra săn ngầm mới P-1, đối tượng là ai thì không cần nói cũng biết.
Hiện nay, tàu tuần tra của Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành “tuần tra” thường xuyên ở vùng biển đảo Senkaku. Nhật Bản hy vọng sử dụng máy bay tuần tra mới P-1 tăng cường kiểm soát đối với vùng biển đảo Senkaku. Chuyên gia quân đội Nhật Bản còn cho rằng, P-1 có thể nói là “khắc tinh lớn nhất của tàu ngầm Trung Quốc”.
P-1 Nhật Bản là máy bay tuần tra săn ngầm phản lực được bắt đầu tự chủ nghiên cứu phát triển từ “con số không” và thiết kế chuyên nghiệp duy nhất trên thế giới hiện nay, trừ máy bay hải quân. Hiện nay, tất cả máy bay tuần tra của các nước trên thế giới đều là phiên bản cải tiến của một loại máy bay công dụng khác, thường là máy bay vận tải hoặc máy bay chở khách.
Do Nhật Bản trước đây dù tích cực tham gia sản xuất máy bay lớn, nhưng chưa từng độc lập tự chủ sản xuất máy bay lớn, vì vậy việc nghiên cứu chế tạo máy bay tuần tra nội địa mới phải đi từ con số không.
Công nghiệp hàng không Nhật Bản muốn độc lập tự chủ phát triển, hiện đang thực hiện đồng thời 2 chương trình nghiên cứu chế tạo máy bay nội địa hoàn toàn khác nhau, lần lượt là máy bay tuần tra săn ngầm P-1 và máy bay vận tải quân sự C-2, toàn bộ do Công ty chế tạo hàng không công nghiệp nặng Kawasaki phụ trách.
Trên phương diện này, Nhật Bản áp dụng phương pháp hoàn toàn độc lập sáng tạo. Để tiết kiệm vốn, họ đã thiết kế song song hai loại máy bay có kiểu khác nhau, sử dụng kết cấu máy bay có linh kiện, bộ kiện, phụ tùng tương đồng, đồng thời cố gắng tiết kiệm vốn trong quá trình nghiên cứu chế tạo, sản xuất và thử nghiệm.
Điều cần chỉ ra là, ý đồ của Nhật Bản rõ ràng không thể thực hiện triệt để, ít nhất là mức độ tiết kiệm không phải quá lớn, dẫu sao máy bay săn ngầm P-1 có giá chế tạo cũng hơn 200 triệu USD, là một loại hàng hóa quân sự tương đối đắt đỏ.
Khả năng săn ngầm trên không của Nhật Bản đã mở rộng tới tận biển Đông
Điều cần nhấn mạnh là, rất ít người sẽ nghĩ rằng, máy bay vận tải và máy bay tuần tra có tính năng hoàn toàn khác nhau lại áp dụng thiết kế thống nhất, dù sao trọng lượng cất cánh của máy bay tuần tra là trên 80 tấn, còn máy bay vận tải ít nhất cũng là 141 tấn, hơn kém nhau 76%; máy bay tuần tra và máy bay vận tải có bố cục cánh khác nhau; số lượng động cơ của máy bay tuần tra là 4 chiếc, trong khi máy bay vận tải là 2 chiếc.
Điều quan trọng hơn là, công dụng hai loại máy bay này hoàn toàn khác nhau; thân, bánh đáp và rất nhiều hệ thống khác cũng hoàn toàn khác nhau. Khi bắt đầu thiết kế hai loại máy bay nội địa, Công ty chế tạo hàng không công nghiệp nặng Kawasaki đã đưa ra khẩu hiệu “một chương trình, hai loại sản phẩm”, tư tưởng tuy rất tốt, nhưng thực hiện lại không hề dễ dàng.
Đến nay, bộ phận tương đồng của 2 loại máy bay này chủ yếu là bộ phận có thể tháo rời của cánh, trụ quay cánh đuôi ngang, cửa kính buồng lái, thiết bị động lực phụ, máy tính kiểm soát bay, hệ thống điều khiển, hệ thống cảnh báo sớm và bảng điều khiển buồng lái phi công; tỷ lệ tiết kiệm vốn của chương trình chỉ có thể đạt 10%.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản quyết định nghiên cứu chế tạo “cặp song sinh” – máy bay săn ngầm P-1 và máy bay vận tải C-2 – có nhân tố chính trị rõ rệt. Quân đội Nhật Bản kiên quyết từ chối đề nghị của Mỹ – cung cấp máy bay tuần tra săn ngầm thế hệ mới P-8 cho Nhật Bản. Máy bay P-8 được nghiên cứu chế tạo trên nền tảng máy bay chở khách Boeing 737, máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 và Lockheed Martin C-130J.
Lý do từ chối bề ngoài là do P-8 không phù hợp với yêu cầu của Lực lượng Phòng vệ đối với máy bay săn ngầm, nhưng nguyên nhân chính là nhập khẩu máy bay Mỹ không phù hợp với tham vọng ngày càng to lớn và ý đồ kiên trì tự chủ nghiên cứu chế tạo máy bay nội địa của giới công nghiệp Nhật Bản.
Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu phát triển chương trình máy bay P-1 và C-2 của Nhật Bản luôn tương đối âm thầm, ít được tuyên truyền, thậm chí có thể nói là tiến hành trong tình hình hoàn toàn bí mật.
Theo báo Nga, máy bay săn ngầm P-1 của Nhật Bản trang bị 4 động cơ XF7-10 do hãng IHI (Ishikawajima-Harima Heavy Industries Co., Ltd) nghiên cứu chế tạo, lực đẩy mỗi động cơ là 60 kN; năm 2005 đã tiến hành thử nghiệm động cơ hàng không trong phòng thí nghiệm bay C-1.
Thiết bị của máy bay P-1 gồm có radar mảng pha quét điện tử chủ động hiện đại HPS-100, hệ thống cảm biến quang điện và từ kế, chủ yếu dùng để tìm kiếm tàu ngầm ở cự ly không xa. Trên máy bay săn ngầm P-8I mà Hải quân Ấn Độ nhập khẩu của Mỹ cũng sử dụng thiết bị tương tự.
Để tăng hiệu quả tác chiến của máy bay, giảm gánh nặng công việc cho nhân viên tổ lái, máy bay săn ngầm P-1 trang bị hệ thống thông minh nhân tạo. Thực lực khoa học công nghệ của Nhật Bản trên lĩnh vực này luôn khá mạnh, hệ thống điều khiển bay của P-1 có thể nhanh chóng xác định được vài kịch bản tàu ngầm địch tấn công, đồng thời xuất phát từ tình hình hiện thời để đưa ra phương án ứng phó tốt nhất.
Điều đáng quan tâm tương tự là, trên phạm vi thế giới, P-1 lần đầu tiên sử dụng hệ thống điều khiển sợi quang học mới, so với hệ thống điều khiển điện tín truyền thống, trong điều kiện tác động của xung điện từ và nổ hạt nhân, trên phương diện vấn đề khả năng tương thích điện từ, tính ổn định của hệ thống mới ổn định hơn, hiệu suất cao hơn.
Thiết bị tìm kiếm, chống tàu ngầm của máy bay P-1 có thể thu được tất cả các tín hiệu trường vật lý của tàu ngầm, ngoài radar mảng pha quét điện tử chủ động và từ kế, còn có phao âm (sonobuoy), bộ cảm biến hồng ngoại và truyền hình. P-1 lắp khoang chứa, có thể mang theo ngư lôi săn ngầm hoặc bom rơi tự do, dưới cánh máy bay có 8 giá treo, có thể treo các loại tên lửa chống hạm, gồm AGM-84 Harpoon, AGM-65 Maverick và ASM-1C.
Đồng thời, còn có thể sử dụng các loại ngư lôi, chẳng hạn ngư lôi kiểu 97, MK-46 và GRX-5, và nhiều nhất 100 quả bom phá tàu ngầm (depth charge). Tải trọng chiến đấu tối đa 9 tấn. P-1 sải cánh 35,4 m, dài 38,0 m, cao 12,1 m, trọng lượng cất cánh 79,7 tấn, tốc độ tối đa 996 km/giờ, tốc độ tuần tra 833 km/giờ, hành trình thực tế 8.000 km, trần bay thực tế 13.520 m.
Rất nhiều chuyên gia đã tỏ ra hoài nghi về máy bay tuần tra săn ngầm P-1 do Nhật Bản tự chủ nghiên cứu chế tạo, cho rằng, giá cả của loại máy bay này cơ bản tương đương với P-8 của Mỹ. Máy bay tuần tra săn ngầm P-8 mà Hải quân Ấn Độ nhập khẩu có đơn giá khoảng 220 triệu USD, nhưng tính năng của máy bay Nhật Bản không đạt được trình độ của máy bay Mỹ, mặc dù P-1 có ưu thế hơn một chút về tốc độ bay tối đa, nhưng đây hoàn toàn không phải là chỉ tiêu chính của máy bay săn ngầm.
Tàu ngầm Trung Quốc là “con mồi” của máy bay tuần tra săn ngầm P-1 Nhật Bản
Khoảng cách của P-1 về tốc độ tuần tra rất rõ rệt, hành trình cũng tương đối ngắn, chỉ có 1.000 km, vì vậy thời gian tuần tra ít nhất đã rút ngắn 1 giờ. Ngoài ra, nhân viên tổ lái của máy bay P-1 Nhật Bản là 13 người, trong đó có 2 phi công, 11 nhân viên thao tác kỹ thuật. Tổ lái của máy bay P-8 Mỹ chỉ có 9 người, trong đó có 2 phi công, 7 nhân viên kỹ thuật.
Khoảng cách này một mặt cho thấy máy bay P-1 của Nhật Bản được trang bị rất nhiều thiết bị, mặt khác gián tiếp chứng minh trình độ tự động hóa của máy bay Nhật Bản tương đối thấp, cho dù Nhật Bản được cho là nước dẫn đầu về lĩnh vực điện tử. Về chỉ số tổng chi phí, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhật Bản nếu hợp tác với Mỹ nghiên cứu chế tạo máy bay săn ngầm P-8 hoặc trực tiếp nhập khẩu loại máy bay này, có thể càng có lời hơn.