Ngày càng nhiều công ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam và văn hoá công sở của người Nhật thật đáng để chúng ta phải học hỏi.
Làm việc trong một công ty Nhật được hai năm, Hương Lan, thành viên một diễn đàn chia sẻ: “Người Việt Nam hay có giờ “cao su”, điều này khác biệt hoàn toàn với người Nhật. Họ vốn nổi tiếng về sự nghiêm túc trong công việc, làm việc say sưa, đến và rời khỏi văn phòng đúng giờ. Họ hầu như rất hiếm khi có chuyện muộn giờ, việc đi làm muộn là điều tối kỵ”.
Chính vì coi trọng sự chăm chỉ nên các sếp Nhật thường yêu cầu nhân viên làm hết việc chứ không yêu cầu làm hết giờ. Một ngày làm việc kết thúc khi nhân viên đã hoàn thành công việc trong ngày đó. Nhân viên trong công ty Nhật phải học cách ăn uống nhanh, đi nhanh, làm việc nhanh để tiết kiệm thời gian.
Thừa nhận điều này, một nhân viên công ty KCN Thăng Long (Hà Nội) cho biết: “Các sếp Nhật rất coi trọng sự chăm chỉ. Thông minh và nhanh nhẹn được đặt sau sự cần cù. Hiệu quả có thể chưa cao nhưng khi nhân viên hết lòng với công việc, không ngại khó, kiên trì nhẫn nại với công việc vẫn được người Nhật đánh giá cao”.
Công sở Nhật luôn trật tự và ngăn nắp
Trong khi đó, nhân viên của Aimnext, một công ty của Nhật, cho hay: “Người thầy đầu tiên trong công việc của tôi là sếp của tôi. Sếp chỉ dạy tôi nhiều điều, chỉ dạy tôi từng chi tiết, giúp tôi phát huy tối đa khả năng của bản thân – đây là điều mà tôi thường được nghe khi nhắc đến các công ty Nhật, một cách họ đào tạo nhân viên. Ngoài ra, tôi học được từ sếp của tôi cũng rất nhiều điều, từ tính tỉ mỉ, cẩn thận, chăm chỉ, tinh thần trách nhiệm cao, làm gì cũng cần đến nơi đến chốn.
Đặc điểm cẩn thận của người Nhật được thể hiện trên nhiều phương diện. Khi giao việc cho nhân viên, sếp tôi truyền đạt rất chi tiết, cụ thể. Khi nhân viên làm sai, sếp thường trao đổi lại nhiều lần để đảm bảo không bao giờ mắc phải sai lầm. Quan điểm của sếp tôi là làm cái gì cũng phải hiểu tường tận vấn đề, tự vấn bản thân mình trước, tự đặt mình vào vị trí của người khác khi giải quyết vấn đề”.
Quản lý chặt chẽ
Hoài An, một độc giả VietNamNet khi phản hồi bài viết Độc chiêu sếp Nhật trị người Việt hoang phí, gian dối, cho hay rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên làm việc với người Nhật. Cô cảm thấy bất ngờ từ hành động nhỏ của vị trưởng phòng đã hơn 60 tuổi. Ông đang đi thì quay lại cuối xuống đất nhặt một cái ghim giấy nhỏ đặt lại trên bàn làm việc của nữ nhân viên mới này. Một hành động rất nhỏ của vị lãnh đạo cũng đủ khiến Hoài An cảm thấy xấu hổ và coi đây như một cách thể hiện tinh thần lớn của phong cách người Nhật. Cũng từ đó, tác phong làm việc của An cũng thay đổi ngăn nắp và gọn gàng hơn.
5 thói quen làm việc của người Nhật:
– Bắt đầu và kết thúc mỗi cuộc gặp mặt bằng một lời chào
– Chăm chút cho nơi làm việc
– Học cách tôn trọng sự yên lặng
– Giữ bản thân tươi mới
– Đừng bỏ lỡ những điều tưởng chừng nhỏ bé
“Người Nhật có thói quen học hỏi từ những thế hệ đi trước. Trong các cuộc họp, các nhân viên thường trực tiếp nêu ý kiến của mình tới lãnh đạo cấp cao của công ty nhưng mục đích của họ là để giải trình, xin lời khuyên, tư vấn chứ không phải để gây chú ý của sếp”, An cho biết thêm.
Từng làm thư ký cho một liên doanh của Nhật Bản, Hương Lan kể rằng tuy làm dự án chưa được 3 năm nhưng Lan đã học hỏi được rất nhiều điều từ sếp Nhật, như tính tỉ mỉ, cẩn thận, chăm chỉ, tinh thần trách nhiệm cao… “Nhiều người không thích làm việc cho Nhật vì họ hơi khắt khe, khó tính, rất nghiêm chỉnh về giờ giấc… Nhưng em lại thấy có như thế thì mình mới được rèn luyện và có cơ hội tự hoàn thiện bản thân”, Lan nói.
Đánh giá về cách làm việc của công ty Nhật, một thành viên diễn đàn nhận định: “Mặc dù mình cũng không thích cách quản lý công việc quá chặt chẽ đến gò bó của Nhật nhưng phải công nhận, cách quản lý đó đã rèn luyện được ý thức kỷ luật lao động tốt cho nhân viên, giữ mọi hoạt động trong tầm kiểm soát, hạ thấp rủi ro”.
Có thể nói nghệ thuật quản lý nhân sự là một trong những yếu tố làm nên sự thành công của các công ty Nhật. Người Nhật và công ty Nhật được đánh giá cao về tính chuyên nghiệp và tính kiên trì nhẫn nại nên sẽ là môi trường tuyệt vời và phù hợp với nguyện vọng của các bạn trẻ Việt Nam ngày nay muốn làm việc và trưởng thành trong môi trường mang tính chuyên nghiệp, thử thách.