Gần đây chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đã công bố sẽ có những chính sách mở rộng tuyển chọn lao động xuất khẩu đến từ các nước khác, trong đó có Việt Nam để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại các nước này. Đây quả là tin mừng đối với nhiều người Việt muốn đi xuất khẩu lao động Nhật Bản và Hàn Quốc
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đệ trình kế hoạch thu hút 1.200.000 lao động nước ngoài trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 nhằm giải quyết tình trạng già hóa trong cơ cấu lao động tại Nhật. Tỷ lệ người già đang ngày càng cao trong dân số Nhật, nếu không có biện pháp tức thời, đến năm 2050 chỉ còn 1/2 dân số Nhật trong độ tuổi lao động. Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích người dân sinh con với mục tiêu là ngăn chặn khả năng dân số hiện đang tăng trưởng âm rơi xuống dưới mức 100 triệu người.
Song song với các công việc liên quan tới công xưởng và nông nghiệp, trong đó tuyển dụng lao động xuất khẩu làm việc dưới hình thức Thực tập sinh kỹ năng, Nhật Bản đang tái xây dựng các công trình sau thảm họa động đất, sóng thần cũng như đẩy mạnh hoàn thiện các công trình phục vụ thế vận hội 2020 và đang tiếp nhận ồ ạt lao động trẻ làm việc trong nghành xây dựng. Số lao động nước ngoài ( LĐNN ) ở Nhật đã tăng lên 40% so với năm 2013, trong đó người Trung Quốc chiếm 1/3, tiếp đến là Việt Nam, Philippines và Brazil.
Thế nhưng những rào cản trong quy chế tuyển dụng, cấp tư cách lưu trú đã khiến cho người lao động nước ngoài trong đó có Việt Nam khó tiếp cận thị trường này. Theo số liệu thống kê lực lượng LĐNN tại Nhật Bản chỉ chiếm 1,4% trong tổng số lao động của quốc gia này, thấp hơn nhiều mức 5% của các nền kinh tế lớn. Nhiều nước công nghiệp phát triển như Đức để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động này thậm chí đã chấp nhận người nhập cư ồ ạt năm vừa rồi, dù có phải đối mặt với rủi ro khủng bố và kỳ thị tôn giáo.
Trong khi Nhật Bản đang thiếu hụt lao động và điều chỉnh chính sách liên quan tới LĐNN thì tại châu Á, Hàn Quốc đang nổi lên cạnh tranh khốc liệt ở việc thu hút nhân công ngoài nước.
Mới đây, chính phủ Hàn Quốc công bố sẽ tái mở cửa thị trường lao động xuất khẩu cho LĐNN người Việt Nam bắt đầu từ năm 2017. Trước đó kể từ năm 2012, Hàn Quốc đã dừng cấp phép cho lao động Việt Nam làm việc do tỷ lệ LĐ Việt Nam bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp quá cao trên 30%.
“Một biên bản ghi nhớ về việc khôi phục lao động nhập cư Việt Nam đã đạt được tại cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Lao động Lee Ki-kweon và người đồng cấp phía Việt Nam, ông Đào Ngọc Dung tại Hà Nội”, Bộ Lao động Hàn Quốc cho biết.
Đây được xem là tín hiệu tích cực sau những nỗ lực kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm đối với lao động Việt Nam của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc. Hầu hết các doanh nghiệp này đều đánh giá rất cao khả năng thích ứng với điều kiện, môi trường làm việc cũng như học tập các kỹ năng rất nhanh nhạy của lao động Việt Nam. Lao động VN vẫn đánh giá thị trường lao động đi Hàn Quốc cao hơn Nhật Bản, do thủ tục đi đơn giản hơn, dễ học tiếng hơn, hợp đồng lao động dài hơn Nhật Bản, và quan trọng là thu nhập tại Hàn Quốc cao hơn. Cộng đồng LĐ VN tại Hàn Quốc cũng khá đông đảo.
Với tính cấp thiết của vấn đề lao động trong nước, Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện nhiều cải cách để mở cửa cho lao động nhập cư. Đây được xem là cơ hội lớn đối với những lao động Việt Nam đang quan tâm tới thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc.
Hiện nay, để đón đầu làn sóng xuất khẩu lao động Hàn Quốc, một số Trung tâm và Công ty đã tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ tiếng Hàn cho những lao động có nhu cầu. Việc học tiếng kéo dài 6-8 tháng để lấy chứng chỉ đạt yêu cầu phỏng vấn đi XKLĐ Hàn Quốc. Chi phí theo quy định để đi XKLĐ Hàn quốc hiện nay được dự báo khoảng trên 40 triệu đồng ( theo quy định ), nếu cộng cả các khoản phát sinh thì vẫn cạnh tranh hơn nhiều so với Nhật Bản. Đây là lợi thế cực lớn cho LĐ Việt Nam, đồng thời cũng là bài toán khó cho các doanh nghiệp công ty xuất khẩu lao động Nhật Bản trước đối thủ ” khó chơi ” này.