Ba dự án giao thông trọng điểm quốc gia là ga T2 Nội Bài cùng với nhà khách VIP A, cầu Nhật Tân và đường nối Nội Bài – Nhật Tân đã chính thức được khánh thành, thông xe đầu năm 2015
Đây là 3 dự án giao thông quốc gia hoàn thành trong năm 2014 và được tổ chức khánh thành vào đầu năm 2015, đã đánh một dấu mốc quan trọng của ngành giao thông. Buổi lễ khánh thành các dự án trọng điểm nói trên đã được tổ chức long trọng tại 2 địa điểm là Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và cầu Nhật Tân với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, đại diện Chính phủ Nhật Bản, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, chính quyền TP Hà Nội, và Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội…
Nhà ga T2 Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài với diện tích sàn 139.216 m2 đã trở thành nhà ga hàng không lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam. Nhà ga T2 Nội Bài gồm 4 tầng (không kể tầng hầm phục vụ kỹ thuật). Trong đó, tầng 1dành cho hành khách đến quốc tế; Tầng 2 dành cho hành khách đi (nối chuyến) và đến quốc tế; Tầng 3 dành cho hành khách đi quốc tế; Tầng 4 là phòng chờ hạng thương gia và khu dịch vụ thương mại.
Nhà ga T2 Nội Bài chính thức được khánh thành sáng 4/1
Với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, nhà ga hành khách T2 Nội Bài có công suất phục vụ ngày cao điểm đáp ứng 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh; giờ cao điểm đáp ứng phục vụ 3.000 hành khách với 23 lượt cất hạ cánh. Công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015 đến 2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020 đến 2030).
Theo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (chủ đầu tư dự án), nhà ga T2 Nội Bài được trang bị hệ thống xử lý hành lý hiện đại mà nhiều sân bay trên thế giới chưa có. Nhà ga hành khách T2 được trang bị đầy đủ hệ thống kỹ thuật hàng không chuyên dụng hiện đại, tiên tiến như: Hệ thống xử lý hành lý (BHS) gồm phòng điểu khiển Trung tâm và 04 hệ thống con; Hệ thống an ninh sân bay (ASS) có 5 cấp độ soi chiếu, bao gồm cả cấp độ tự động dò tìm, phát hiện chất nổ; Hệ thống cầu hành khách (PBB) gồm 14 cầu kết nối với các hệ thống: Dẫn đỗ tầu bay VDGS, quản lý tòa nhà BMS, thông tin chuyến bay FIDS.
T2 Nội Bài là ga hàng không lớn nhất Việt Nam
Hiện nay, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài có 36 hãng hàng không trong nước và quốc tế đang hoạt động, bình quân 340 chuyến bay mỗi ngày. Năm 2014, sản lượng hành khách thông qua Cảng HKQT Nội Bài đạt khoảng 14 triệu lượt hành khách, vận chuyển trên 355.000 tấn hàng hoá.
Trước khi có nhà ga mới, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài sử dụng và khai thác nhà ga hành khách T1 (hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2001, được nâng cấp, mở rộng năm 2013) có công suất thiết kế 9 triệu hành khách/năm. Do lưu lượng hành khách tăng cao, nhà ga phải phục vụ số lượng hành khách vượt quá xa công suất thiết kế nên các tiện ích như quầy thủ tục hành khách, soi chiếu an ninh, các sảnh chờ, phòng VIP… đều bị quá tải, đặc biệt vào mùa cao điểm, dịp lễ, Tết, ảnh hưởng lớn đến chất lượng phục vụ hành khách.
Nằm trong khu liên hợp nhà ga hành khách T2, khu hành khách VIP A cũng được khánh thành vào hôm nay. Khu hành khách VIP A được xây dựng nhằm phục vục việc đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đi thăm các nước, cũng như đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của các nước đến thăm Việt Nam theo đúng nghi thức ngoại giao quốc tế.
Nhà khách VIP A – nơi đón tiếp các đoàn khách ngoại giao quốc tế
Khu vực sân nghi lễ ngoại giao quốc tế tại nhà khách VIP A Nội Bài
Nhà khách hiện hữu tại nhà ga T1 – Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài được đưa vào sử dụng từ năm 1986 và được nâng cấp vào năm 1996, gồm 1 tầng, diện tích sử dụng chỉ có 823m2. Đến nay, qua nhiều năm sử dụng, nhà khách đã xuống cấp nhiều. Mặt khác do nhà khách có quy mô nhỏ, không có khả năng mở rộng nên không đáp ứng được yêu cầu đón tiếp các đoàn ngoại giao của đất nước.
Việc khánh thành và đưa vào khai thác cùng lúc 2 công trình lớn tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài có ý nghĩa rất quan trọng, tạo vị thế và bước phát triển mới cho Cảng. Các công trình Nhà ga hành khách quốc tế T2, Nhà ga quốc nội T1 và Nhà khách VIP – Cảng HKQT Nội Bài kết nối với hệ thống đường cao tốc Nhật Tân – Nội Bài tạo thành hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, cung cấp các dịch vụ và tiện nghi cao cấp, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đảm bảo an ninh an toàn, đảm bảo sự trang trọng khi đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đi thăm các nước, cũng như đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của các nước và các đoàn ngoại giao quốc tế đến thăm Việt Nam theo đúng nghi thức ngoại giao quốc tế.
Cầu Nhật Tân là công trình đặc biệt thứ 2 được khánh thành vào sáng nay là – đây là cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam và cũng là 1 trong 3 cầu trên thế giới có 5 nhịp cầu dây văng liên tục.
Chính thức cắt băng khánh thành cầu Nhật Tân
Được thiết kế với ý tưởng là hình dáng của cây đào, cầu Nhật Tân thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân Thủ đô Hà Nội. Cầu Nhật Tân được khánh thành trong năm mới 2015, cũng là thời điểm cận Tết Nguyên đán Ất Mùi càng làm làng hoa Nhật Tân truyền thống của Hà Nội thêm rộn ràng hơn.
Dự án xây dựng cầu Nhật Tânvà đường hai đầu cầu có tổng chiều dài 8,93 km với quy mô 8 làn xe chạy, trong đó phần cầu chính theo phương án cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp dài khoảng 3,75km, đường 2 đầu cầu dài khoảng 5,2km, mặt cắt ngang rộng 33,2m. Tổng mức đầu tư của cầu Nhật Tân là hơn 13.600 tỷ đồng.
Tại buổi lễ khánh thành đã diễn ra nghi thức gắn tên cầu Nhật Tân, tấm biển khắc tên cầu được đúc bằng đồng và bên dưới tên cầu Nhật Tân có in dòng chữ Công trình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản cùng với cờ của 2 nước nhằm thể hiện mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp lâu nay giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Cùng với cầu Nhật Tân, đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân và kết nối với trung tâm Thủ đô Hà Nội mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp – được coi là con đường đối ngoại của quốc gia chính thức khánh thành sáng nay.
Với tổngmức đầu tư của dự án là6.742 tỷ đồng và tổng chiều dài tuyến là 12,1 km, phần đường chính được thiết kế là theo tiêu chuẩn đường phố chính chủ yếu, vận tốc thiết kế 80km/h, các đường gom được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V, vận tốc thiết kế theo đường nội đô 40km/h.
Đường Võ Nguyên Giáp – con đường đối ngoại quốc gia
Dự án đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển sân bay Nội Bài; hoàn thiện đường trục chính của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông Thủ đô, tạo hình ảnh Thủ đô văn minh, hiện đại; Trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực huyện Đông Anh và Sóc Sơn thành phố Hà Nội.
Dự án được đầu tư xây dựng cũng kết nối tuyến Nhật Tân – Nội Bài với tuyến Bắc Thăng Long – Nội Bài, làm giảm bớt lượng giao thông trên tuyến Bắc Thăng Long – Nội Bài.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND TP Hà Nội – cho biết, cùng với xây dựng cầu và tuyến đường,TP Hà Nội đã lập quy hoạch chi tiết dọc 2 bên tuyến đường. Tại đây, có một số công trình lớn đã được qui hoạch như đầu mối trung chuyển hàng hóa phục vụ thương mại quốc tế trong và ngoài nước; Công viên Kim Quy rộng 80 ha, gắn liền với thành Cổ Loa và sự tích thần Kim Quy. Trên tuyến đường nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài cũng sẽ thiết kế biểu tượng búp sen biểu trưng cho bản sắc Việt Nam. Đặc biệt, tại khu vực xung quanh trục dự án này sẽ qui hoạch một khu đô thị hiện đại với những tòa nhà cao ốc, trung tâm tài chính – thương mại tầm cỡ quốc tế.
Về phía Nhật Bản, thay mặt cho Chính phủ nước này, ông Akihiro Ohta Bộ trưởng Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản (MLIT) bày tỏ sự vui mừng khi Nhật Bản góp sức đầu tư xây dựng nhà ga T2 Nội Bài và cầu Nhật Tân.
Ông Akihiro Ohta cho biết, nhà ga T2 là biểu tượng cho sức sống, cho thịnh vượng và phát triển của Việt Nam – đây là một câu chuyện về tình bạn giữa Nhật Bản và Việt Nam, hy vọng 2 đất nước sẽ có nhiều dự án hợp tác sâu rộng hơn. Cầu Nhật Tân không chỉ giúp kết nối giao thông mà cây cầu còn giúp kết nối cảm xúc giữa trái tim với trái tim…
Trong tuyên bố khánh thành và phát lệnh thông xe các công trình trọng điểm này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải – khẳng định: Đây là những công trình đặc biệt, biểu trưng cho mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa 2 nước Việt Nam và Nhật Bản.
“Nhà ga T2 là dự án lớn, có công nghệ hiện đại, đánh dấu sự chuyển mình của sân bay quốc tế Nội Bài. Nhà ga là cửa ngõ hàng không hiện đại, đưa Việt Nam đến với thế giới và thế giới đến với ViệtNam. Dự án nhà ga T2 đem lại tiềm năng mới cho sân bay Nội Bài với công suất 25 triệu hành khách đến năm 2020. Cùng với các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ như cầu Nhật Tân, đường Nhật Tân – Nội Bài sẽ rút ngắn khoảng cách giữa sân bay và trung tâm Hà Nội. Đường Nhật Tân – Nội Bài sẽ là trục giao thông đô thị chính phía bắc sông Hồng, tạo nền tảng phát triển các khu đô thị phía bắc” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Cầu Nhật Tân – đường Võ Nguyễn Giáp – sân bay Nội Bài là chuỗi giao thông liên hoàn chính thức được kết nối liên hoàn từ hôm nay 4/1
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tốt việc vận hành, đào tạo cán bộ nhân viên phục vụ nhằm đem lại sự hài lòng cho hành khách và người dân, đảm bảo khai thác tối đa hiệu quả công trình. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội quản lý tốt các dự án phát triển đô thị hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp.
Như vậy, bắt đầu từ hôm nay, chuỗi kết nối cầu Nhật Tân – đường Võ Nguyên Giáp – sân bay Nội Bài đã chính thức được vận hành liên hoàn. Thời gian lưu thông từ Trung tâm Hà Nội qua cầu Nhật Tân và di chuyển trên đường Võ Nguyên Giáp lên sân bay quốc tế Nội Bài chỉ còn khoảng 20 phút.
( Theo Dân trí )