Nhu cầu đi xuất khẩu lao động của người Việt Nam hiện rất lớn nhưng đối tượng có nhu cầu hầu hết là gặp khó khăn về kinh phí đi XKLĐ. Một số thị trường giá rẻ như Algeria, Malaysia… thì thường nhiều lao động lại không muốn tham gia trong khi các thị trường tốt như XKLĐ Nhật Bản thì lại đòi hỏi kinh phí lớn hơn hẳn. Đáp ứng nhu cầu của người lao động và theo chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ cho vay vốn người đi XKLĐ, nhiều ngân hàng trong nước như Agribank, NH chính sách XH có tạo điều kiện ứng vốn đi XKLĐ cho người có nhu cầu dưới một số điều kiện cụ thể.
Tổng Giám đốc NHNo&PTNT Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc cho vay đối với người lao động có nhu cầu vay vốn đi làm việc ở nước ngoài hay còn gọi là vay vốn đi xuất khẩu lao động trong hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam như sau:
– Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 số 72/2006/QH 11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;
– Căn cứ Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN ngày 13/4/2004 của Thống đốc NHNN Việt Nam “V/v cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài”;
– Căn cứ Điều lệ tổ chức và hoạt động của NHNo&PTNT Việt Nam (Agribank) được Thống đốc NHNN Việt Nam chuẩn y tại Quyết định số 2339/QĐ-NHNN ngày 05/10/2010;
– Căn cứ Quyết định số 666/QĐ-HĐQT-TDHo của Hội đồng Quản trị ngày 15/6/2010 “V/v ban hành Quy định cho vay đối với khách hàng trong hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam” và các quy định hiện hành về thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro của NHNo&PTNT Việt Nam;
– Căn cứ Thoả thuận nguyên tắc giữa NHNo&PTNT Việt Nam và Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) ngày 15/11/2002;
– Căn cứ Văn bản thỏa thuận giữa NHNo&PTNT Việt Nam và Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam về việc hợp tác hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài vay vốn, chuyển tiền, ký ngày 21/4/2010;
Tổng Giám đốc NHNo&PTNT Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam như sau:
Mục lục:
1. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
1.1 (Sau đây gọi là người lao động đi làm việc ở nước ngoài) là công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam, có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
1.2. Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp với người lao động về quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
1.3. NHNo nơi cho vay: Sở giao dịch, chi nhánh, Phòng Giao dịch (không bao gồm chi nhánh Campuchia)
1.4. Doanh nghiệp dịch vụ là doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có vốn pháp định theo quy định của Chính phủ và được Bộ Lao động Thương binh – Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
2. Khách hàng vay vốn đi xuất khẩu lao động
– Đại diện hộ gia đình của người lao động;
– Trường hợp người lao động là hộ độc thân thì cho vay trực tiếp đối với người lao động.
3. Điều kiện cho vay vốn đi xuất khẩu lao động :
Ngoài các điều kiện quy định hiện hành về việc cho vay đối với khách hàng của NHNo&PTNT Việt Nam, để được vay vốn đi xuất khẩu lao động, người lao động phải:
– Có hợp đồng ký kết giữa người lao động với doanh nghiệp dịch vụ về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Để biết thêm thông tin về doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ, ngân hàng nơi cho vay có thể truy cập trang Web của Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ lao động – Thương binh và xã hội www.dolab.gov.vn – mục Danh sách doanh nghiệp XKLĐ hoặc trang Web của Hiệp hội XKLĐ Việt Nam www.vamas.com.vn – mục Hội viên);
– Đại diện hộ gia đình của người lao động hoặc người lao động phải mở tài khoản tiền gửi tại NHNo nơi cho vay và cam kết chuyển thu nhập của người lao động ở nước ngoài về tài khoản, để trả nợ ngân hàng qua hệ thống chuyển tiền kiều hối của NHNo&PTNT Việt Nam.
4. Mức cho vay
– NHNo nơi cho vay căn cứ vào khả năng nguồn vốn huy động được và nhu cầu vay vốn đi xuất khẩu lao động của khách hàng; việc áp dụng quy định về bảo đảm tiền vay; khả năng trả nợ của người lao động, của hộ gia đình người lao động để quyết định mức cho vay.
– Mức cho vay tối đa không vượt quá 80% tổng số các chi phí hợp pháp cần thiết phục vụ cho việc đi lao động ở nước ngoài.
5. Thời hạn cho vay
– NHNo nơi cho vay và người lao động căn cứ vào mức thu nhập của người lao động, khả năng trả nợ của hộ gia đình người lao động và khả năng nguồn vốn của ngân hàng để thoả thuận trong hợp đồng tín dụng về thời hạn cho vay.
– Thời hạn cho vay vốn đi xuất khẩu lao động tối đa không vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của người lao động được ghi trong hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ.
6. Đồng tiền cho vay
– Cho vay bằng đồng Việt Nam (VND)
– Tiền vay được chuyển thẳng cho doanh nghiệp dịch vụ. Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ có đề nghị bằng văn bản, chi nhánh ngân hàng nơi cho vay có thể phát tiền vay trực tiếp cho người lao động
7. Lãi suất cho vay
Theo lãi suất cho vay do Tổng Giám đốc NHNo&PTNT Việt Nam quy định tại thời điểm cho vay.
8. Bảo đảm tiền vay vốn đi xuất khẩu lao động
Thực hiện theo quy định hiện hành về bảo đảm tiền vay đối với khách hàng của NHNo&PTNT Việt Nam. Cụ thể:
8.1. Không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản đối với cho vay thông qua hộ gia đình của người lao động ở nông thôn trong các trường hợp sau:
– Mức vay tối đa đến 50 triệu đồng, hộ vay đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2, 3 Điều 4, Quyết định số 881/QĐ-HĐQT-TDHo ngày 17/7/2010 của HĐQT NHNo Việt Nam “về việc ban hành quy định thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn” và tại thời điểm xét duyệt cho vay, hộ gia đình không có dư nợ cho vay không có tài sản đảm bảo tại NHNo (kể cả dư nợ cho vay theo Nghị định 41 và các đối tượng khác);
– Mức vay vốn đi xuất khẩu lao động tối đa đến 20 triệu đồng/ 01 lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với hộ gia đình chưa đáp ứng đủ các điều kiện quy định về cho vay không có bảo đảm bằng tài sản của NHNo&PTNT Việt Nam.
8.2. Phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản:
– Đối với người lao động là hộ độc thân;
– Hộ gia đình của người vay không thuộc đối tượng quy định ở Mục 8.1 văn bản này.
9. Hồ sơ cho vay vốn xuất khẩu lao động:
Để vay vốn, người lao động gửi NHNo&PTNT nơi cho vay các giấy tờ sau:
– Sổ Hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người vay/ hộ chiếu còn thời hạn của người vay (Ngân hàng đối chiếu bản chính với kê khai trên giấy đề nghị vay vốn)
– Giấy đề nghị vay vốn của đại diện hộ gia đình người lao động (Mẫu phụ lục 01) hoặc của người lao động trong trường hợp người lao động là hộ độc thân (Mẫu phụ lục 02)
– Hợp đồng ký kết với doanh nghiệp dịch vụ về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (bản gốc)
Lưu ý: Trong khi chưa có hợp đồng, NHNo nơi cho vay căn cứ giấy xác nhận của doanh nghiệp dịch vụ (Mẫu phụ lục 03) để xem xét làm các thủ tục, quyết định cho vay hoặc không cho vay. Tiền vay chỉ phát khi NHNo&PTNT nơi cho vay nhận được hợp đồng chính thức.
– Hợp đồng bảo đảm tiền vay vốn đi xuất khẩu lao động và các giấy tờ có liên quan đến tài sản bảo đảm (đối với các đối tượng phải bảo đảm tiền vay bằng tài sản) và việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ (nếu có)
10. Trả nợ vốn vay
– Ngân hàng nơi cho vay và khách hàng vay thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng về việc trả gốc, lãi vốn vay căn cứ vào thu nhập của người lao động, gia đình người lao động.
– Trong trường hợp doanh nghiệp dịch vụ quản lý được tiền lương của người lao động ở nước ngoài thì doanh nghiệp, người lao động, ngân hàng có thể thỏa thuận bằng văn bản về việc doanh nghiệp chuyển tiền lương của người lao động về tài khoản để trả nợ tiền vay.
– Đối với người lao động là hộ độc thân có mở tài khoản ngoại tệ, ngân hàng nơi cho vay và người lao động thỏa thuận về việc ngân hàng tự động thu nợ gốc, lãi bằng VND theo cam kết áp dụng tỷ giá tại thời điểm hạch toán.
11. Các vấn đề khác
– Về nguyên tắc cho vay, xét duyệt cho vay, kiểm tra giám sát vốn vay, thu nợ, thu lãi, cơ cấu lại thời hạn trả, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro… không nêu trong văn bản này, NHNo nơi cho vay thực hiện theo quy định hiện hành của NHNo&PTNT Việt Nam.
– Văn bản này thay thế văn bản số 1410/NHNo-TD ngày 23/5/2007 của Tổng Giám đốc NHNo&PTNT Việt Nam về việc “hướng dẫn cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài”; Văn bản số 1607/NHNo-TDHo ngày 06/8/2007, số 262/NHNo-TDHo ngày 24/01/2008, số 1782/NHNo-TDHo ngày 15/5/2008 về việc chỉnh sửa, bổ sung một số điểm của văn bản số 1410/NHNo-TD ngày 23/5/2007 của Tổng Giám đốc NHNo&PTNT Việt Nam về việc “hướng dẫn cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài”.
12. Hiệu lực của Văn bản
Văn bản này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; Mọi sửa đổi bổ sung Văn bản này, do Tổng Giám đốc NHNo&PTNT Việt Nam quyết định.
————————