Ngày 23-9, trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định: “Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang Malaysia làm việc từ năm 2002 nhưng đến nay chúng tôi chưa hề nhận được đơn thư phản ánh của bất kì lao động nào về tình trạng lao động bị cưỡng bức. Hơn nữa tại Malaysia, Việt Nam đã thành lập Ban Quản lý lao động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động cũng như nhanh chóng phát hiện và xử lý những vụ việc phát sinh làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động”.
|
|
PV: Thưa ông, hiện có bao nhiêu lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia? Ông đánh giá thế nào về thị trường này?
Ông Tống Hải Nam: – Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện có khoảng gần 80.000 lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia. Nhưng trong một vài năm gần đây, việc đưa lao động sang làm việc tại đây gặp nhiều khó khăn, số lượng lao động đi sang làm việc tại Malaysia hàng năm có dấu hiệu sụt giảm, như năm ngoái chúng ta chỉ đưa được khoảng 7.000 lao động sang thị trường này, một con số rất khiêm tốn trong tổng số hơn 88.000 lao động ra nước ngoài làm việc trong năm 2013, trong khi tiềm năng của thị trường này là lớn.
Thị trường lao động Malaysia rất phù hợp với một bộ phận không nhỏ lao động Việt Nam, những người lao động ở nông thôn, vùng xâu vùng xa, do không yêu cầu trình độ tay nghề cao, chi phí đi làm việc tại Malayisa rất thấp so với các thị trường khác.
Mới đây tổ chức phi chính phủ quốc tế Verité đã công bố bản báo cáo và chỉ ra một thực trạng lao động Việt Nam đang phải gánh chi phí môi giới cao song lại hưởng mức lương khá thấp? Ông đánh giá thế nào về bản báo cáo này?
– Là người trực tiếp kiểm tra và nghiên cứu bản báo cáo của Verité nhưng tôi không thấy đoạn nào nói về phí môi giới. Theo tôi hiểu với những nội dung như báo cáo nêu, thì có thể hiểu đây là chi phí mà người lao động Việt Nam phải chi trả để được làm việc trong lĩnh vực sản xuất đồ điện tử ở Malaysia. Hiện chi phí đưa người lao động đi nước ngoài được quy định cụ thể trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Lấy ví dụ cụ thể đối với thị trường Malaysia, với mức lương cơ bản theo quy định tại nước này là 900RM/tháng (khoảng gần 300 USD), nhân lên với hợp đồng 3 năm thành 900 USD- đây là khoản tiền dịch vụ mà các doanh nghiệp cung ứng của Việt Nam được phép thu của người lao động do doanh nghiệp đưa ra nước ngoài làm việc theo đúng quy định của pháp luật; ngoài ra còn cộng thêm khoảng 250-300 USD phí môi giới, rồi tiền vé máy bay, tiền làm hộ chiếu, visa, tiền đào tạo,… Nếu chiếu theo đó, thì con số 1.080 USD chi phí mà người lao động Việt Nam phải chi trả để được đưa sang làm việc trong lĩnh vực sản xuất điện tử ở Malaysia mà báo cáo trên đưa ra không phải là cao so với quy định của pháp luật.
Vậy ông bình luận gì về con số 40% lao động Việt Nam làm việc trong ngành điện tử của Malaysia ở trong tình trạng lao động bị cưỡng bức mà báo cáo của tổ chức Verité nêu?
– Tôi chưa thể đưa ra bất cứ bình luận gì về con số này, vì thực chất đấy là một báo cáo nghiên cứu khoa học dựa trên một mẫu nghiên cứu nhỏ, không đồng đều, chưa mang đầy đủ tính đại diện (chỉ tiến hành phỏng vấn đối với 501 người từ 8 nước có lao động làm việc tại Malaysia, trong khi số lao động nước ngoài làm việc tại Malaysia lên đến hàng triệu người). Đồng thời, trong báo cáo, họ cũng chỉ đưa ra các kết luận nghiên cứu thể hiện việc có thể là có dấu hiệu của lao động cưỡng bức trong lĩnh vực sản xuất điện tử, chứ không khẳng định đây là lao động cưỡng bức.
Theo tôi, cần phải có một cái nhìn khách quan và thực tế hơn đối với vấn đề này. Bên cạnh đó cũng cần hiểu rõ khái niệm lao động cưỡng bức gồm rất nhiều tiêu chí như: điều kiện sống và làm việc, khả năng chuyển đổi chủ, khả năng được đi lại tự do… và phải xem xét xem những chỉ số này được áp dụng trong bối cảnh cụ thể nào để có những nhận định khách quan hơn. Ví dụ như đối với tiêu chí “khả năng được đi lại tự do”, kết quả nghiên cứu đưa ra trong báo cáo cho rằng do hầu hết lao động nước ngoài làm việc trong lĩnh vực sản xuất đồ điện tử ở Malaysia đều được bố trí chỗ ở tập trung trong các khu ký túc xá có bảo vệ, nên có thể bị hạn chế về quyền đi lại. Nhận định này gây ra hiểu lầm rằng người lao động bị quản thúc và là một “dấu hiệu” của lao động cưỡng bức.
Việt Nam có hoạt động gì nhằm đảm bảo cho người lao động Việt Nam có môi trường làm việc tốt nhất?
– Không phải chỉ đến khi có báo cáo này Chính phủ Việt Nam mới quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài nói chung và Malaysia nói riêng, mà ngay từ khi mới bắt đầu thực hiện chủ trương đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã rất quan và thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Bằng chứng là hiện chúng ta có 7 Ban Quản lý lao động tại những nước, vùng lãnh thổ có đông lao động Việt Nam, như: Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Cộng hòa Séc, Ả rập Xê út. Tại những địa bàn có Ban Quản lý lao động, công tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động có điều kiện thực hiện được tốt hơn; phát hiện và xử lý được nhiều vụ việc phát sinh, không để các vụ việc kéo dài gây hậu quả xấu. Bên cạnh đó, để tăng cường hoạt động bảo hộ lao động ở nước ngoài, trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) từ tháng 11 năm 2007, đã tham gia tích cực các hoạt động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các diễn đàn khu vực và quốc tế về lĩnh vực này.
Trân trọng cảm ơn ông!
Lan Hương (thực hiện)
|
( Trích nguồn Đại Đoàn Kết )