Vào cuối những năm 1980 và đầu thập kỷ 90, Sony là công ty điện tử lớn nhất trên thế giới, với một loạt sáng tạo làm cho các hãng điện tử khác phải học tập và thèm muốn như máy nghe nhạc walk man, máy nghe nhạc minidisk, máy ghi hình handycam, ti vi màn hình phẳng Trinitron, bộ trò chơi điện tử Play Station, máy tính Vaio….. Nhưng bắt đầu vào năm 2012, hình ảnh Sony đã nhạt nhòa dần. Cách đây khoảng 5 năm, các sản phẩm Sony vẫn được bày bán khắp nơi tại Nhật Bản nhưng hiện tại Sony chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Sony vốn là niềm kiêu hãnh của người Nhật Bản
Thông tin xấu dồn dập đến với Sony trong những năm gần đây. Hãng đã phải tuyên bố bán thương hiệu máy tính Vaio, vốn là một niềm kiêu hãnh của Sony và là thương hiệu đẳng cấp mà nhiều người tiêu dùng mơ ước sở hữu sản phẩm. Thông tin gần đây còn cho biết Sony có thể phải bán cả mảng kinh doanh smartphone. Ngoài ra, hãng liên tục phải cắt giảm nhân sự. Một số người nói Sony đang sống như một xác chết, và hãng sẽ không thể sống sót nữa.
Bắt đầu lỗ kỷ lục vào năm 2012
Từ trước đến nay, đã có hàng trăm bài báo và nhiều cuốn sách viết về việc tại sao Sony lại rơi vào suy thoái. Một số còn đặt vấn đề như một câu chuyện bí ẩn giết người rùng rợn: “Ai đã giết Sony?” Nhưng các câu trả lời không rõ ràng. Có phải Sony đã tự sát? Vị giám đốc nào đã đẩy Sony vào bờ vực thẳm? Hay Sony chết vì những vết thương của chính công ty? Sony bị ám sát từ bên ngoài? Liệu có một âm mưu nào đó phía sau sự sụp đổ của công ty?
Nhiều người tuyên bố biết câu trả lời, nhưng có lẽ những người thực sự biết câu trả lời chính là những cửa hàng bán đồ điện tử ở Nhật, và những người từng làm việc tại Sony.
Sony làm ăn không thuận lợi từ mấy năm nay. Báo New York Times cho biết vào tháng 3/2012, Sony đã bị lỗ kỷ lục 455 tỷ yên (tương đương 5,7 tỷ USD). Đó là năm mà Sony lỗ tồi tệ nhất lịch sử của hãng – do gặp khó trong mảng kinh doanh TV, do giá đồng yên lúc đó tăng mạnh và do các thảm họa tự nhiên ở Nhật và ở nước ngoài.
Nói cho công bằng, Sony vẫn được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Theo một bài viết trên trang web của Trung tâm nghiên cứu văn hóa Nhật Bản, người tiêu dùng khi nghĩ về hàng điện tử Nhật Bản, họ sẽ “tự động” nghĩ đến hình ảnh Sony hoặc Panasonic. Sony vẫn là biểu tượng chất lượng trong mắt nhiều người dùng.
Người đã “giết chết” Sony là Nobuyuki Idei?
Sau nhiều năm bán và buôn các mặt hàng điện tử Nhật Bản khác nhau, bà Nakayama, chủ một cửa hàng điện tử ở Nhật Bản, đã hiểu khá sâu sắc về tình hình kinh tế. Bà không phải là một chuyên gia tài chính, nhưng bà có cách giải thích riêng về sự lụn bại của Sony. “Các công ty Đài Loan hoặc Hàn Quốc đã tuyển dụng những kỹ sư Nhật Bản về hưu và trả lương rất tốt, vì thế họ học được công nghệ Nhật Bản rất nhanh. Ở những nước này, chi phí nhân lực rất rẻ. Và với việc giá đồng yên cách đây mấy năm rất cao, mọi thứ đã góp phần gây ra sự sụp đổ của các công ty Nhật Bản. Chúng tôi, những người bán hàng, vẫn thường nói chuyện với nhau như thế”, bà Nakayama nói.
Có vẻ như bà Nakayama rất sắc sảo. Các cựu nhân viên và lãnh đạo Sony đã đổ lỗi cho sự sa sút của Sony là do “chảy máu chất xám” trong thời đại của CEO Nobuyuki Idei, từ năm 1999 đến 2005. Trong nhiều bài viết dạng “Ai đã giết Sony”, Idei thường bị nghi ngờ là thủ phạm.
Cựu CEO Nobuyuki Idea của Sony
Một quản lý cấp trung của Sony, nhớ lại về thời của Idei: “Idei quyết định tổ chức lại công ty và làm nhiều chương trình cải tổ. Khi chúng tôi nói “cải tổ” trong tiếng Nhật – nghĩa là chúng tôi muốn nói cắt giảm nhân sự. Idea đưa ra kế hoạch về hưu sớm và khuyến khích mọi người áp dụng. Điều này không mang lại cảm giác tốt lành. Khi một công ty bắt đầu áp dụng về hưu sớm, hầu hết sẽ xem đó là dấu hiệu nên ra đi ngay khi họ còn có thể. Và nhiều người đã ra đi”.
Theo nhà quản lý này, các kỹ sư trung tuổi ra đi cùng lúc đã khiến Sony trống trải. Họ ra đi để lại phía sau một thế hệ trẻ không đảm bảo, sợ thất bại và chỉ sẵn sàng làm việc với những công nghệ đã có sẵn – mà không sáng tạo.
“Điều tệ hơn nữa là trong thời kỳ này, các công ty Hàn Quốc và Đài Loan ngay lập tức chào đón các kỹ sư Sony với vòng tay rộng mở. Thậm chí, có thể nói Samsung đã “mua” công nghệ mà Sony phát triển nên, bằng cách tuyển dụng những nhân sự tốt nhất, sáng sủa nhất của Sony”.
Niềm kiêu hãnh mang tên “chúng ta sản xuất xe hơi”!
Một đại diện nhà đầu tư châu Âu nhớ lại cuộc gặp với Idea: “Tôi đến Nhật để thảo luận với ông Idei về những mối quan ngại đang ngày càng lớn của Sony. Chúng tôi ăn tối cùng nhau. Tôi muốn nói về tỷ suất lợi nhuận; Idea muốn nói về loại rượu mà chúng tôi đang uống”.
Khi nhà đầu tư này chỉ ra rằng lợi nhuận hoạt động của Sony với các sản phẩm điện tử chỉ là 2-4% trong khi Samsung đạt tỷ suất lợi nhuận là 30%, Idei đã nói rất “hào hùng” rằng: “Samsung chỉ làm phụ kiện cho sản phẩm của chúng ta. Đó là sự khác nhau giữa một nhà sản xuất thép và một nhà sản xuất xe hơi. Chúng ta sản xuất xe hơi”.
Nhà đầu tư này đã trả lời: “Tôi có tin này cho ông – những nhân sự mà ông đã mất đi tại nhà máy ô tô hiện đang làm việc tại nhà máy thép; rồi đây nhà máy thép sẽ sản xuất ô tô bằng công nghệ của ông”.
Nhưng cảnh báo đó không được để ý. Đó là vào năm 2004 khi họ gặp nhau lần cuối, và trong khi iPod ngày càng nổi lên là thiết bị nghe nhạc di động hàng đầu, Sony hay cả Idei, đều không xem đó là điều quan trọng.
Khi Sony tuyên bố đưa Howard Stringer làm CEO mới của Sony vào năm 2005, nhà đầu tư này đã gửi thông điệp đến cho Stringer đồng thời tỏ thiện chí hỗ trợ văn phòng Nhật Bản của Sony. Ông Stringer điều hành Sony mấy tháng, và sau đó nhà đầu tư nhận được thông điệp là bản thân Stringer cũng không để ý đến vấn đề. Ngay sau đó, nhà đầu tư này đã giảm hẳn mối quan tâm vào Sony.
“Chúng tôi vẫn có cổ phần trong công ty, vì thế tôi không muốn nói nhiều. Nhưng rõ ràng với tôi, vào năm 2004, Sony đang ở trong cuộc chiến với chính họ”.
Những năm gần đây Sony gặp rất nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh không như mong đợi. Hiện tại, công ty vẫn đang nỗ lực vươn lên. Trong phần tiếp theo của loạt bài “Ai đã “giết” Sony?”, ICTnews sẽ phân tích bối cảnh thị trường và nền kinh tế Nhật Bản, những yếu tố tác động đến khả năng kinh doanh cũng như sức cạnh tranh của Sony và các công ty Nhật Bản trước sự thay đổi của nền kinh tế thế giới.
Một lần nữa yếu tố con người làm nên thành công và thất bại của một doanh nghiệp càng được minh chứng rõ nét qua bài học của Sony. Nhân sựu thích hợp là yếu tố hàng đầu làm nên thành công của một doanh nghiệp, mà bài học thất bại là của Sony, bài học thành công như Apple, hay Ford… rất rõ nét dấu ấn của bộ máy nhân viên và lãnh đạo sáng tạo.