Gần đây, có rất nhiều bài báo nói về thực trạng của các tầng lớp thanh niên Nhật Bản luôn trong tình trạng chán nán, bỏ nhà đi. Thậm chí nhiều thanh niên Nhật Bản cũng đã từng bỏ nhà đi thuê phòng trọ và ở lì ở trong phòng trọ đó mấy tháng, thậm chí là mấy năm. Thực trạng những căn nhà bỏ hoang ở Nhật bản đang xuất hiện rất nhiều, tình trạng dân số ở Nhật bản cũng đang trong giai đoạn khá là khó khăn khi mà dân số nhật bản đang có dấu hiệu giảm sút.
Bán không có người mua
Sở dĩ có tình trạng này là do nhiều người, mặc dù không có nhu cầu sử dụng, nhưng vẫn được hưởng tài sản thừa kế từ người thân. Nhưng điều trớ trêu là họ không thể bán chúng do không có người mua. Trước tình trạng này, Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng giảm số lượng “nhà ma” bằng cách yêu cầu chủ sở hữu dỡ bỏ các căn nhà không có người ở. Nếu một ngôi nhà trống được xác định là làm tổn hại đến môi trường địa phương, cơ quan quản lý đất sẽ tăng các loại thuế của căn nhà đó lên gấp 6 lần.
– Xem thêm:
+ Văn hóa Nhật Bản
+ Xuất khẩu lao động Nhật Bản
+ Xuất khẩu lao động Đài Loan
Bất chấp những lo ngại về sự lãng phí do nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, nhưng tình trạng này vẫn đang lan rộng trên khắp Nhật Bản. Theo số liệu thống kê của Chính phủ nước này, tỷ lệ nhà không sử dụng trong thời gian dài ở Nhật tăng mạnh, cao hơn ở Mỹ hay châu Âu, với 8 triệu ngôi nhà hiện không có người ở. Gần một nửa trong số đó đã bị bỏ hoang hoàn toàn, không rao bán cũng không cho thuê và đang trong tình trạng xuống cấp.
Ngay cả tại khu vực Thủ đô Tokyo, tỷ lệ nhà trống cũng đang tăng lên. Trong đó, Yokosuka là một ví dụ điển hình.
Nằm cách Tokyo không xa và gần các căn cứ hải quân cũng như những nhà máy sản xuất ô tô, thành phố này thu hút hàng nghìn thanh niên tới tìm kiếm việc làm trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng mạnh sau Thế chiến II. Đất đai trở nên khan hiếm và đắt đỏ, cho nên những người mới đến thường xây những ngôi nhà nhỏ, đơn giản tại bất cứ nơi nào có thể.
Tuy nhiên, hiện nay, xu hướng này đã bị đảo ngược. Thế hệ trẻ thời hậu chiến giờ đã nghỉ hưu, rất ít những người con của họ muốn thừa kế ngôi nhà của cha mẹ. Con cái họ đang ở trong các tòa nhà cao tầng giữa trung tâm Thủ đô Tokyo. Đối với chúng, nhà thừa kế của gia đình không phải là một tài sản mà là gánh nặng.
Dấu hiệu về sự sụt giảm dân số
Chính quyền thành phố Yokosuka đang cố gắng thay đổi tình trạng này, bằng cách khuyến khích chủ sở hữu nhà bỏ hoang tân trang lại và rao bán nhà trên thị trường. Thành phố này đã thành lập một “ngân hàng nhà trống” trực tuyến để giới thiệu các ngôi nhà cần bán hoặc cho thuê. Tuy nhiên, giá đất ở Yokosuka hiện đã giảm 70% kể từ khi lên đến đỉnh điểm vào cuối những năm 1980.
Cho đến nay, mới chỉ có một ngôi nhà gỗ 1 tầng 60 năm tuổi được bán thông qua “ngân hàng” này với giá 660.000 yen (5.400USD). Những ngôi nhà ở khu vực xa hơn có giá tương đương chỉ vài trăm USD. 4 ngôi nhà đã được cho thuê, trong đó có 1 ngôi nhà cho sinh viên trong chương trình điều dưỡng tại một đại học gần đó thuê với giá rẻ.
Theo dự báo đến năm 2033, Nhật Bản sẽ có 21,5 triệu căn nhà không có người ở. Con số trên tương đương 1/3 số nhà trên thị trường bất động sản của quốc gia châu Á này. Những ngôi “nhà ma” là dấu hiệu dễ thấy nhất về sự sụt giảm dân số tại đất nước Mặt trời mọc, nơi dân số đã đạt đỉnh cách đây nửa thập kỷ.
Hiện dân số Nhật Bản là 127 triệu người và được dự báo sẽ giảm 1/3 trong 50 năm tới. Áp lực dân số đã đè nặng lên nền kinh tế Nhật Bản, khi những người còn trong độ tuổi lao động phải làm việc nhiều hơn để hỗ trợ số người cao tuổi ngày càng tăng, gây ra cuộc tranh luận dữ dội về những chính sách dài hạn để thúc đẩy nhập cư hoặc khuyến khích phụ nữ có nhiều con hơn.