Thực tập sinh tại Nhật bản bỏ trốn sẽ bị xử lý thế nào?

Hàng năm các công ty xuất khẩu lao động đã phái cử trung bình trên 20.000 thực tập sinh kỹ năng đi lao động và làm việc tại Nhật bản. Con số này đang tăng mạnh hàng năm do nhu cầu bù đắp vào lực lượng lao động thiếu hụt tại Nhật bản cũng như do xu thế dịch chuyển tuyển dụng thực tập sinh Trung quốc sang tuyển dụng thực tập sinh đến từ Việt nam của các nhà tuyển dụng Nhật. Con số 20.000 lao động của năm 2014 và dự kiến gần 25.000 lao động của năm 2015 là khá lớn nếu so với các năm trước đây, nhưng cũng rất nhỏ bé nếu so với số lượng lao động xuất khẩu đi Đài loan ( gần 100.000 người ) hoặc một số nước khác, và rất nhỏ so với nhu cầu tuyển dụng của các công ty Nhật bản. Tại sao Việt nam không thể tăng trưởng mạnh con số này dù phía Nhật rất cần lao động? Thủ tục tuyển dụng phái cử phức tạp, ý thức của lao động và tỷ lệ bỏ trốn cao đang là 4% có thể là lý do.

Kênh thông tin XKLĐ xuatkhaulaodongnhat.vn chuyển tới các bạn một số nguyên nhân cũng như hậu quả đối với người lao động – thực tập sinh nếu bỏ trốn bất hợp pháp tại Nhật

Cảnh sát và các cơ quan pháp luật của Nhật bản rất khắt khe

1. Về nguyên nhân, rất nhiều lý do dẫn đến lao động bỏ trốn:

– Chi phí xuất cảnh và ký quỹ cao. Nhiều lao động để sang được đến Nhật bản phải bỏ ra số tiền lên đến 300 triệu đồng, trong đó ký quỹ trên 60-100 triệu đồng sau khi về nước sẽ nhận lại được nhưng cũng là số tiền lao động phải đi vay mượn để nộp. Nếu gia đình không có tài sản hoặc không đi vay ngân hàng được và phải vay ngoài, tính lãi ngoài ở mức thấp nhất thì số tiền hàng tháng chỉ trả lãi cũng tới 5,7 triệu đồng, chưa kể gốc. Chi phí cao này là gánh nặng làm cho lao động phải bằng mọi cách kiếm tiền để trả nợ lãi và nhiều người trong số đó nghĩ đến cách cuối cũng là bỏ trốn làm việc bất hợp pháp bên ngoài trong thời hạn hợp đồng hoặc sau khi kết thúc 3 năm hợp đồng thực tập kỹ năng tại Nhật bản.

Chi phí xuất cảnh cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chi phí cao từ công ty tuyển dụng và phái cử thực tập sinh phía Việt nam, và có nguyên nhân từ hệ thống trung gian tuyển dụng lao động ( hay còn gọi là môi giới lao động ), ngoài ra có một số ít lao động ngay trong quá trình học giáo dục định hướng tại VN đã sa đà ăn tiêu mất một số tiền lớn của gia đình trước khi xuất cảnh, dĩ nhiên chi phí này cũng là số tiền lao động phải làm bù lại khi đến Nhật.

– Thu nhập tại Nhật thấp. Có nhiều lao động xuất khẩu được làm việc trong công ty tốt, công việc ổn định có nhiều việc làm thêm nên thu nhập cũng khá tốt, 20-30 triệu đồng 1 tháng, sau khi trừ các loại chi phí, nhưng trường hợp ngược lại cũng không ít. Và trong hoàn cảnh thu nhập thấp có thể không bù đắp được chi phí bỏ ra hoặc thấp quá so với kỳ vọng của thực tập sinh cũng dẫn đến quyết định bỏ trốn trong hoặc sau khi kết thúc hợp đồng lao động 3 năm.

– Các nguyên nhân khách quan khác như mâu thuẫn giữa lao động Việt nam với nhau, mâu thuẫn với chủ sử dụng lao động hay quản lý người Nhật, chủ sử dụng khắt khe, ép làm việc, hành xử thô bạo, hay các trường hợp lao động VN vi phạm pháp luật, bị các cơ quan chức năng hoặc chính công ty tiếp nhận xử lý theo hướng tương đối nặng, có thể trục xuất thì người lao động thường chủ động bỏ trốn. Hoặc các trường hợp số ít khác như bạn bè, môi giới bất hợp pháp rủ rê bỏ trốn ra ngoài với hứa hẹn thu nhập cao, tự do, công việc tốt, hoặc những chuyện liên quan tới quan hệ tình cảm nam nữ dẫn đến lao động bỏ trốn.

2. Về chế tài và hậu quả nếu lao động – thực tập sinh bỏ trốn:

Mỗi năm có trên dưới 2000 thực tập sinh tại Nhật bản bỏ trốn trong thời hạn hợp đồng thực tập kỹ năng, hoặc ở lại quá thời hạn trong hợp đồng phái cử TTS. Đây là vấn nạn cho cả phía Nhật bản và Việt nam. Nên nhớ luật pháp Nhật bản rất khắt khe và chính phủ Nhật đã thông báo trước sẽ dừng tiếp nhận lao động đến từ Việt nam theo Chương trình Thực tập sinh kỹ năng nếu tỷ lệ bỏ trốn vượt quá 5%. Về phía quả lý nhà nước Việt nam, nếu doanh nghiệp nào có tỷ lệ bỏ trốn vượt quá 5% tổng số thực tập sinh phái cử thì sẽ bị đình chỉ giấy phép XKLĐ 90 ngày để chấn chỉnh – theo quy định của Bộ LĐ TB và XH.

Với các lao động bỏ trốn:

– Nếu thực tập sinh ở lại quá thời hạn hợp đồng – gọi là ” lưu trú bất hợp pháp” -, nếu bị phát hiện bắt giữ và buộc về nước thì lao động phải chịu mọi chi phí và bị cấm đến Nhật trong vòng 5 năm. Theo luật Nhật bản, ở lại lưu trú bất hợp pháp có thể bị ghép vào khung hình phạt tù tới 3 năm hoặc phạt tiền tới 3 triệu yên. Trường hợp dùng giấy tờ giả hay vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự .

– Nếu người lao động đầu thú, tự giác ra trình diện mà không bị vi phạm pháp luật thì sẽ không bị câu lưu, được cho về nước và chỉ bị cấm nhập cảnh trở lại trong vòng 01 năm.

– Nếu lao động vẫn còn thời hạn lưu trú ( visa ) mà bỏ trốn ra ngoài, không làm việc hay cư trú tại một nơi rõ ràng, và không vi phạm pháp luật thì nếu bị bắt được cho về bình thường, và phải giải quyết hoặc đàm phán giải quyết các vướng mắc liên quan tới xí nghiệm làm việc trước đó. Tư cách lưu trú còn lại cũng bị đóng dấu hết hiệu lực.

– Trường hợp lao động còn thời hạn lưu trú, bỏ công ty tiếp nhận ra làm việc ở công ty khác có nhận lương, bị coi là “hoạt động ngoài tư cách” thì sẽ bị cưỡng bức về nước và xử phạt hình sự. Nếu làm việc quá thời hạn lưu trú sẽ bị xử lý giống như trường hợp ” lưu trú bất hợp pháp”.

– Về hình thức xử lý phía Việt nam. Chắc chắn lao động bỏ trốn sẽ bị thông báo đến chính quyền địa phương và mời gia đình lên làm việc yêu cầu liên lạc với con em để về nước. Tùy địa phương có thể lao động sẽ không được làm các thủ tục xác nhận của địa phương nếu muốn đi XKLĐ nước khác. Lao động sẽ bị phạt toàn bộ số tiền phí xuất cảnh và khoản tiền ký quỹ đã nộp, cũng như không nhận được các loại tiền trợ cấp từ phía Nhật bản. Các địa phương có nhiều lao động bỏ trốn thì các lao động có hộ khẩu tại đây có thể bị cấm không cho làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Nhật bản như một số địa phương miền Trung và miền Bắc 2 năm trước đây, Tổ chức hợp tác lao động quốc tế Nhật bản ( IM Japan ) tháng 5-2015 đã dừng tiếp nhận lao động các tỉnh miền Bắc cho một chương trình tuyển chọn TTS đi Nhật bản. Chương trình này kết hợp với Bộ LĐTB và XH với rất nhiều ưu đãi với một số ngành nghề có thời hạn HĐ tới 5 năm và tuyển cả điều dưỡng hộ lý, cũng như trợ cấp sau khi hoàn thành hợp đồng thực tập.

– Lao động bỏ trốn ngoài việc đối mặt với các cơ quan pháp luật như trên, cuộc sống của các bạn khi làm việc ngoài vòng pháp luật là hết sức rủi ro, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt, trốn chui lủi sợ bị bắt, ốm đau tai nạn không có bảo hiểm, có thể bị lừa đảo môi giới việc, nhà ở ký túc. Liệu thu nhập bên ngoài của các bạn có xứng đáng để bù lại hay không.

Lời khuyên của Công ty xuất khẩu lao động nhật bản chúng tôi với các bạn trẻ :

Sáng suốt tìm đến những Công ty phái cử lao động xuất khẩu uy tín để tham gia chương trình TTS, cố gắng tìm những đơn hàng và công ty có chi phí xuất cảnh hợp lý để giảm thiểu số tiền phải bỏ ra khi đi XKLĐ. Nếu sang được Nhật bản, cố gắng hòa nhập với văn hóa và pháp luật ở đây, tỉnh táo trước các cám dỗ cũng như các hứa hẹn nếu bỏ trốn. Nếu các bạn thực tập sinh có vướng mắc hoặc trục trặc trong quá trình lao động việc đầu tiên là liên lạc với công ty phái cử và Nghiệp đoàn quản lý để tìm cách xử lý, không được manh động bỏ trốn ra ngoài bất hợp pháp.