Cuối tháng 2/2016, Phó thủ tướng Malaysia Ahmad Hamidi bất ngờ thông báo chính phủ Malaysia quyết định ngưng tuyển dụng lao động nước ngoài. Các chủ lao động tại Malaysia phải tuyển dụng lao động địa phương.
Phó thủ tướng Malaysia cũng cho biết, tất cả lao động bất hợp pháp tại Malaysia sẽ bị bắt giữ và trục xuất. Đồng thời, quyết định ngưng tuyển lao động nước ngoài sẽ được duy trì cho đến khi Chính phủ thấy cần tuyển dụng hoặc khi nhu cầu lao động của các ngành nghề tăng lên.
Trước thông tin trên, nhiều lao động Việt Nam lo ngại sẽ không thể sang Malaysia làm việc được nữa. Song theo luồng thông tin cho hay, lao động Việt Nam vẫn có thể sang Malaysia làm việc bình thường. Các doanh nghiệp Malaysia có giấy phép hợp lệ vẫn tiếp tục tuyển thêm lao động nước ngoài, chỉ các doanh nghiệp chưa có giấy phép thì không được cấp mới.
Thị trường Malaysia có nhu cầu tuyển dụng lao động sang Malaysia làm việc là rất lớn nên tạm thời lao động Việt Nam vẫn vào Malaysia làm việc bình thường.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng vừa ban hành kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa hai chính phủ Việt Nam và Malaysia về tuyển chọn và sử dụng lao động được ký hồi tháng 8 năm 2015. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Bản ghi nhớ là người lao động có quyền được giữ hộ chiếu và các giấy tờ cá nhân. Đây là cơ sở quan trọng giúp bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp lao động Việt Nam tại Malaysia.
Cũng tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp đưa lao động sang Malaysia phải chịu trách nhiệm tổ chức quản lý lao động theo đúng hợp đồng đã ký và quy định tại luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Việt Nam đưa lao động sang Malaysia làm việc từ năm 2002, đến nay đã có trên 220.000 lao động sang nước này làm việc. Tuy nhiên, những năm gần đây, số người lao động sang Malaysia giảm dần do thu nhập tại thị trường này không còn hấp dẫn; cơ chế quản lý giám sát đối với lao động nước ngoài khắt khe, dẫn đến nhiều vụ việc phát sinh liên quan đến người lao động trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) trong năm 2015 có 115.980 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng 8,55% so với năm 2014 và vượt 28,86% so với kế hoạch đặt ra.
Tại Đông Nam Á có 7.389 lao động Việt Nam, chỉ chiếm 6,37% tổng số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Malaysia tiếp nhận nhiều nhất với 7.354 người, chiếm 99,52% số lao động Việt Nam trong khu vực này. Thu nhập bình quân của lao động Việt Nam làm việc ởg Malaysia chỉ khoảng từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng.