Nhờ sự tích cực khảo sát và tìm hiểu thị trường XKLĐ, hiện nay ta đã có nhiều công nhân đang làm việc ở các quốc gia Trung Đông, cụ thể là Kuwait, Qatar, Ả Rập Saudi, Dubai (thuộc Liên hiệp Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất – UAE)…; chưa kể số đã sang làm việc và sinh sống từ lâu ở Lebanon, Yemen… Đây là một thị trường đầy tiềm năng cho XKLĐ của VN.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm công tác dài hạn ở khu vực này, đã từng phải trực tiếp giải quyết một số vụ việc, tôi muốn lưu ý một số điều cho những ai đang muốn hoặc đang chuẩn bị đi LĐXK ở những quốc gia Trung Đông.
Từ chuyện… thèm thịt heo, nấu rượu lậu
Ai cũng biết ở các quốc gia Hồi giáo này, hai thứ tuyệt đối bị cấm, đó là thịt heo và thức uống có cồn. Con heo, theo quan niệm của người theo đạo Hồi, là một con vật ăn tạp, rất bẩn, nên không phải là loại thịt đáng để ăn. Mới nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng nếu phải nhịn cả 1-2 năm trời, nhất là trong những dịp lễ Tết – như Tết Nguyên đán chẳng hạn – sẽ rất… thèm, và đã có trường hợp sơ sẩy một chút, gây tác hại rất phiền. Tại Kuwait, đã có một cán bộ quản lý lao động về nước có công việc, chắc than thở gì đó với bạn bè, làng xóm về cảnh “không có thịt heo”, nên khi trở sang, cô vợ thương tình nhét vào túi xách 2 hộp thịt heo, mỗi hộp 1 kg, của Nhà máy Hạ Long để chồng sang có một chút quà cho anh em đỡ nhớ! Thế là khi sang, nhân viên hải quan sân bay Kuwait phát hiện, đã hết sức giận dữ, ông ta lấy một mảnh giấy lót tay cho đỡ dơ và ném ngay lập tức hai hộp thịt heo vào thùng rác, rút tập biên lai ra ghi phạt. May mà có người phiên dịch và đại diện ban quản lý ra đón, năn nỉ xin mãi mới thoát được khoản 50 USD tiền phạt!
Còn chuyện thức uống, không thể tìm đâu ra một chai bia hoặc một chai rượu. Ở thủ đô Kuwait, có tới 7 siêu thị mở cửa 24/24 giờ (để tránh nóng), mỗi siêu thị có tới 5-7 tầng lầu. Trong một khách sạn 5 sao mà tôi đã ở dài dài, dưới phòng ăn cũng có những chai rượu trông bề ngoài y xì sâm banh hoặc whisky, nhưng chỉ là bề ngoài dùng để trang trí, trên nhãn ghi rõ “không có cồn” – không khác gì uống… nước ngọt! Lại cũng xin kể một kỷ niệm buồn ở đây. Một lao động của ta đã lén nấu rượu. Nguyên liệu là đường, bột nở, bột cà chua… còn men thì đã “thủ” sẵn từ nhà đem sang. Một nồi áp suất, một bộ ống cao su (loại để truyền nước trong bệnh viện), bếp gas đặt trong phòng ngủ, đúng với cái tên “cuốc… lủi”! Giá mà nấu lén, uống lén thì không hề hấn gì lắm, dù đã là phạm nội quy của công trường. Khốn nỗi có tí hơi men, máu tham lại nổi lên, anh ta mang “sản phẩm” sang công trường bên cạnh của lao động Triều Tiên để… bán! Sau đôi lần trót lọt, một lần vớ ngay được một viên cảnh sát kinh tế Kuwait giả bộ hỏi mua. Lao động này dẫn viên cảnh sát về tận phòng để… lấy hàng. Dưới gầm giường là cái can 10 lít chứa đầy rượu! Kết quả là ra tòa với mức án 5 năm tù giam. Đó là chuyện ở Kuwait. Còn tại Ả Rập Saudi thì càng nghiêm khắc hơn, vì xin đừng quên, ở đó có những thánh địa của đạo Hồi, mà thành Mecca là nơi thiêng liêng nhất.
Đến thái độ ứng xử với phụ nữ
Người phụ nữ theo đạo Hồi thường mặc áo choàng đen kín từ đầu đến chân, có một chiếc khăn voan mỏng che kín mặt, hoặc tối thiểu là phải che kín tóc, gáy và cổ. Tại Kuwait, Ả Rập Saudi… phụ nữ không bao giờ ra đường một mình, phải có một nam giới đi cùng (chồng, anh em hoặc con trai…). Khi gặp phụ nữ, không bao giờ được phép “nhìn chằm chằm” vào họ, chứ chưa nói đến chuyện khác. Vậy mà đã có lao động của ta, phần vì tò mò, phần vì… xa vợ xa con lâu ngày, nên thường không những nhìn… hau háu, mà còn chỉ chỉ trỏ trỏ, bình luận với nhau và cười hô hố. Đã có trường hợp ngôn ngữ bất đồng, người địa phương thấy thái độ đó nghĩ rằng người phụ nữ bị chọc ghẹo, nên đã… rút dao đuổi theo, khiến lao động ta chạy… đến mất dép! Hiện tượng này không phải là hiếm, và phải được các công ty XKLĐ của ta căn dặn, giáo dục kỹ càng cho lao động trước khi sang các quốc gia Hồi giáo.
Đây là vấn đề trình độ văn hóa, ngay tại Việt Nam cũng không ai tán thành thái độ thô lỗ như vậy, chứ chưa nói đến ở nước ngoài và càng không được phép ở các nước theo đạo Hồi.
Tôi đã đọc trên một tờ báo của Ả Rập Saudi, đưa tin Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi đã từng có công hàm gửi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại đó, nhắc nhở bà phu nhân đại sứ lái ô tô ngoài đường đã để… đầu trần, không quấn khăn che tóc, lại còn xắn tay áo lên vì nóng! Sẽ có người bảo rằng như thế là “quá khắt khe”, nhưng khi đến một nơi có phong tục tập quán khác ta, thì phải tuân theo chứ biết làm sao? Ông bà mình đã từng dạy “nhập gia tùy tục đáo giang tùy khúc” đó thôi!
Có thể những chuyện kể trên được coi là nhỏ nhặt, chi li. Tuy nhiên, chính những cái nhỏ nhặt đó lại phát sinh những chuyện lớn, gây ra những phiền phức, khó khăn cho lao động của mình. Mong các công ty XKLĐ của ta lưu ý, chuẩn bị kỹ lưỡng cho họ trước khi ra đi quan tâm hơn đến việc huấn luyện, giáo dục, tăng cường tìm hiểu phong tục, tập quán cho người lao động, không nên chỉ quan tâm đến những việc “lớn” như làm gì, thu nhập bao nhiêu, gửi tiền về nhà bằng cách nào…