Tin vui cho người lao động Việt Nam, theo quyết định của Bộ Lao động Đài Loan, kể từ ngày 1-7, lao động Việt Nam được cấp visa vào vùng lãnh thổ này làm việc ở lĩnh vực giúp việc gia đình. Hiện có khá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động(XKLĐ) khẩn trương tìm đối tác, tuyển chọn lao động sang Đài Loan. Thời gian đầu, hai bên thống nhất không đưa ồ ạt lao động đi mà thực hiện theo lộ trình, thận trọng, điều chỉnh kịp thời để phù hợp với tình hình thực tế.
Thị trường XKLĐ Đài Loan, rủi ro ít, thu nhập ổn định
Trong 40 thị trường XKLĐ của Việt Nam, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) đánh giá Đài Loan là thị trường mà lao động giúp việc gia đình chuộng sang nhất, nhờ có sự tương đồng về văn hóa, ít rủi ro. Quan trọng hơn, thu nhập của người lao động tương đối khá, khoảng 13 triệu đến 15 triệu đồng/tháng.
Theo số liệu thống kê đến năm 2004, trong tổng số 32.000 lao động làm việc theo hợp đồng ở Đài Loan, có đến 60% người giúp việc gia đình, số còn lại là lao động công xưởng và thuyền viên. Từ tháng 1-2005, Đài Loan dừng tiếp nhận lao động giúp việc gia đình từ Việt Nam do tỉ lệ bỏ trốn quá cao. Lệnh dừng tuyển này khiến lao động nữ ở các vùng nông thôn mất cơ hội sang Đài Loan, buộc phải chuyển hướng sang thị trường khác. Tuy nhiên mức thu nhập không được cao như ở Đài Loan và văn hóa có sự khác biệt nên bị phân biệt đối xử. Nhu cầu tuyển dụng lao động giúp việc gia đình , bao gồm cả chăm sóc người bệnh, người già tại nhà ở Đài Loan rất lớn. Các cơ quan chức năng đang xúc tiến các hoạt động hợp tác để tiếp nhận lao động Việt Nam như trước đây.
Điều chỉnh phí xuất khẩu lao động Đài Loan
Khoảng 40 Doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã và đang thương thảo hợp đồng với các công ty môi giới Đài Loan để tuyển chọn lao động. Nỗ lực đàm phán cùng với việc triển khai đồng bộ các biện pháp chấn chỉnh thị trường, ngăn ngừa lao động bỏ trốn trong nhiều năm qua đã giúp thị trường xuất khẩu lao động Đài Loan được hoạt động trở lại.
Chỉ những doanh nghiệp tổ chức bộ máy đào tạo chuyên trách, tuân thủ tốt pháp luật về XKLĐ, có cam kết bảo đảm việc làm, thu nhập, thu phí đúng quy định mới được phép làm. NLĐ sang Đài Loan theo hợp đồng 3 năm (được gia hạn thêm 17 tháng). Khi ký hợp đồng, DN phải cam kết bảo đảm mức lương tối thiểu 17.500 TWD/tháng (khoảng 11,6 triệu đồng). NLĐ được chủ sử dụng trả phụ cấp làm thêm, chăm sóc y tế đầy đủ; bố trí nơi ở, ăn miễn phí và mua bảo hiểm rủi ro với mức bồi thường 300.000 TWD (gần 200 triệu đồng).
Trong giai đoạn thí điểm từ ngày 1-7 đến cuối tháng 12-2015, nếu DN nào không thực hiện đúng cam kết, nhất là trong vấn đề thu phí, sẽ không được phép tham gia nữa. Mức phí theo quy định của Dolab là 2.036 USD/người, chưa kể ký quỹ ràng buộc hợp đồng 800 USD/người. Theo đánh giá mức phí không quá cao sẽ tạo thuận lợi cho NLĐ sang Đài Loan. Và các công ty đang có những chính sách nhằm hỗ trợ về tài chính cho người lao động có nhu cầu đi lao động xuất khẩu ngành giúp việc gia đình tại Đài Loan.
Biện pháp khắc phục tình trạng bỏ trốn của lao động Việt Nam
Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các Công ty môi giới Đài Loan và người sử dụng lao động để quản lý, theo dõi tình hình lao động đang làm việc tại Đài Loan, đặc biệt là người lao động sắp hết hạn hợp đồng, kịp thời giải quyết những phát sinh liên quan đến người lao động nhằm ngăn ngừa tình trạng người lao động bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước; Thực hiện lộ trình giảm chi phí cho người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc tại Đài Loan.
Xử lý nghiêm những doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định như xử phạt vi phạm hành chính, tạm dừng hoạt động đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan, đặc biệt đối với hành vi thu tiền cao hơn quy định và không kịp thời giải quyết các phát sinh, khiếu nại của người lao động; Tổ chức phỏng vấn người lao động trước khi đi và tổ chức phỏng vấn người lao động đang làm việc tại Đài Loan làm căn cứ xử lý các doanh nghiệp vi phạm…